Lẩu cù lao (hay còn gọi là lẩu thở, lẩu than) là món ngon "trứ danh" của các tỉnh miền Tây sông nước. Sở dĩ có tên gọi này là vì người ta phải sử dụng một loại nồi nhôm có thiết kế đặc biệt, chuyên dùng để nấu lẩu là nồi cù lao.
Vẻ ngoài chiếc nồi khá giống đèn cầy nhưng kích thước lớn hơn, có ống đốt ở giữa như cái cù lao mọc giữa sông. Người ta bỏ than vào ống đốt ở giữa, sức nóng của than sẽ làm chín thức ăn.
Tên gọi lẩu cù lao xuất phát từ chiếc nồi có ống đốt ở giữa như "cù lao mọc trên sông" (Ảnh: @huynh_ninh).
Trước đây, lẩu cù lao thường là món đại diện trong các bữa tiệc của người Nam Bộ, được mang ra sau các món khai vị, chiếm vị trí trung tâm. Sau này, món lẩu này được nâng tầm lên thành đặc sản địa phương, xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách khắp nơi tới thưởng thức.
Lẩu cù lao là món ăn dân giã, có thể thưởng thức quanh năm. Tùy theo mỗi địa phương và điều kiện từng gia đình mà nguyên liệu làm lẩu cù lao lại phong phú khác nhau. Ví như ở An Giang, Đồng Tháp, người ta thường cho cá vào lẩu nhưng ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang thì không thể thiếu tôm, mực tươi,...
Tùy vào khẩu vị và điều kiện của chủ nhà mà món lẩu cù lao có "phì nhiêu" và phong phú hay không (Ảnh: Tai Huu Nguyen).
Tuy nhiên, dù ở vùng nào thì trong lẩu cù lao bao giờ cũng có những nguyên liệu đặc trưng như gan heo (hoặc tim heo), mề gà (hoặc vịt), chả thát lát nặn hình trái cà na, chả hoa,... Ngoài ra còn có các loại rau củ quả đặc trưng như bắp cải, cà rốt, củ cải trắng,
Khi khách gọi món, đầu bếp khéo léo xếp lần lượt các lớp nguyên liệu vào nồi, bài trí hấp dẫn rồi chan nước lèo lên.
Than được mồi sẵn cho vừa bén lửa. Sau khi chất đầy đủ các thứ vào lẩu thì đậy nắp lại, cho than vào ống đốt, mang lên bàn. Than nóng sẽ làm chín thức ăn, giữ nồi lẩu luôn sôi để thực khách thoải mái thưởng thức.
Món lẩu cù lao gồm nhiều nguyên liệu đa dạng, trang trí bắt mắt (Ảnh: @onghoangtrasua).
Không chỉ khác biệt với những món lẩu khác ở công thức mà lẩu cù lao còn có một số bí quyết chế biến riêng để tạo hương vị "trứ danh". Ví dụ như than được sử dụng phải là than cây đước. Bởi loại than này cháy đều, giữ nhiệt lâu mà ít tro bụi.
Khi nước sôi, nắp nồi nhúc nhích thì mở ra, cho nguyên liệu vào. Hơi nước, quyện vào lửa than bốc lên, kết hợp mùi thơm từ những bông hoa được khéo léo bày biện trên mặt lẩu, bên dưới là các món ngon lành, cuồn cuộn tỏa ra khiến thực khách khó cưỡng lại được.
Vị ngọt thơm của nước dùng kết hợp với độ tươi của rau, vị đậm đà của thịt cá khiến thực khách ăn lẩu cù lao một lần nhớ mãi (Ảnh: @thon.foodie).
Lẩu cù lao được ăn kèm với đĩa bún gạo hoặc mì, rau cải cúc, đậu hũ chiên, quẩy nóng,... Cho mì và rau vào nồi lẩu đang sôi rồi nhanh tay vớt ra bát, chan nước dùng và đặt tôm, thịt cá lên trên, thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn này.
Lẩu cù lao hấp dẫn thị giác với mùi vị thơm ngon trở thành đặc sản nức tiếng miền Tây sông nước (Ảnh: @heofood).
Vị tươi rói của cá, vị béo ngậy của thịt và các loại rau hòa quyện với nước dùng ngọt thơm khiến du khách xuýt xoa, cảm giác như hương vị miền Tây sông nước đang tan dần trong khoang miệng.
Đến miền Tây, du khách dễ dàng tìm thấy và thưởng thức lẩu thả trong các nhà hàng, khách sạn với giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng/nồi cho 2-3 người thưởng thức.
Theo THẢO TRINH (Dân trí)