Tà Pạ, một ngày yên bình nơi đồi cao

02/07/2025 - 05:00

 - Đồi Tà Pạ tọa lạc xã Tri Tôn từ lâu là nơi được nhiều người tìm đến khi muốn tạm xa thành phố, tìm lại cảm giác bình yên. Không gian nơi đây có chùa, có hồ nước, có cây thốt nốt, có những người dân chân chất. Mỗi buổi sáng, ánh nắng nhẹ rọi xuống đỉnh đồi, hồ lặng sóng, gió mát, ai ghé qua cũng muốn dừng lại lâu hơn một chút.

Mặt hồ phẳng lặng với làn nước xanh ngọc bích, được bao quanh bởi rừng cây và vách đá, một khung cảnh khiến bất kỳ ai cũng muốn dừng chân lâu hơn

Tà Pạ trong tiếng Khmer có nghĩa là “núi cao”. Ngôi chùa mang tên Phnom Ta Pa nằm trên đỉnh đồi, được xây dựng từ năm 1999. Qua nhiều lần sửa chữa, đến năm 2019, chùa được hoàn thiện khang trang với 120 cột bê-tông lớn. Nhìn từ xa, chánh điện như đang nổi lên giữa mây trời. Để đến được chánh điện, du khách phải đi qua 240 bậc thang, men theo triền dốc có bóng cây, tượng rắn Naga và hàng lan can được sơn mới.

Từ chân đồi nhìn lên, chùa vừa uy nghi vừa gần gũi. Trên đỉnh, du khách có thể quan sát toàn cảnh vùng Tri Tôn, những cánh đồng lúa trải rộng, những hàng thốt nốt cao vút nối nhau đến tận chân trời. Không khí trên đồi mát mẻ, trong lành. Buổi sáng sớm, chùa thường vang tiếng chuông, nhẹ nhàng nhưng lan xa, tạo cảm giác yên tĩnh, thư thái.

Ngay dưới chân đồi là hồ Tà Pạ, hình thành từ hố đá cũ sau khai thác. Nước trong hồ sâu hơn 10 mét, màu nước thay đổi theo mùa. Mùa khô, nước trong xanh, có thể thấy cả đáy hồ. Mùa mưa, nước đục hơn nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng. Người dân kể lại đã từng có người xuống hồ bơi rồi bị chuột rút, rất nguy hiểm nên hiện nay có bảng cấm tắm quanh hồ.

Cảnh vật quanh hồ cũng thay đổi nhiều. Ngoài hồ nước và những tảng đá lớn, khu vực này còn được sắp đặt thêm vài tiểu cảnh chụp hình để phục vụ khách tham quan. Nổi bật là khung trái tim đôi màu đỏ đặt trên nền đất đá, hướng ra rặng núi. Gần đó là một chiếc ghế xoắn hình trái tim, nằm trong khung sắt có dòng chữ “Hồ Tà Pạ - Tri Tôn - An Giang”. Những tiểu cảnh này tuy đơn giản nhưng lại giúp không gian sinh động hơn, nhất là khi lên hình. Nhiều gia đình, bạn trẻ chọn chụp ảnh tại đây trước khi tiếp tục hành trình.

Cô Hằng (thợ chụp ảnh lâu năm) chia sẻ: “Tôi gắn bó với chụp ảnh từ năm 33 tuổi. Hồi xưa chụp ở Núi Cấm, sau này về đây vì gần nhà, với lại khách đông hơn. Trước đây chỉ người trong tỉnh mới biết Tà Pạ, giờ thì nhiều người từ xa cũng đến, có cả Việt kiều nữa. Trời mát, núi rõ, lên hình rất đẹp”. Cô Hằng cũng cho biết, ban đầu khách chỉ đến chụp hồ, sau đó mới biết đến chùa. Khi chùa làm xong cầu thang và hệ thống đèn ban đêm, hình ảnh chùa về đêm lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò đến thăm.

Chùa Phnom Ta Pa là điểm đến gắn liền với đời sống tâm linh của người Khmer, đồng thời cũng là nơi được nhiều du khách tìm đến để tham quan, tìm hiểu văn hóa. Vào các dịp lễ như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Ok Om Bok hay lễ Sen Dolta, bà con tập trung về chùa làm lễ, tụng kinh. Sư thầy ở chùa còn mở lớp dạy chữ Khmer cho trẻ em quanh vùng, giúp các em hiểu và giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ.

Ngôi chùa Khmer nằm trên đỉnh đồi Tà Pạ, nổi bật với kiến trúc vàng rực rỡ và những chi tiết chạm khắc tinh xảo

Trong khuôn viên chùa, chị Hồng Ngân đều đặn mang những bộ trang phục truyền thống đồng bào Khmer cho thuê. Trang phục được nhập từ Campuchia, đủ màu sắc, kiểu dáng. Nhiều bạn trẻ muốn thử mặc đồ truyền thống để có ảnh đẹp khi lên chùa. “Có ngày cho thuê được 5 - 7 bộ, có ngày không có bộ nào. Nhưng ngày nào tôi cũng lên đây. Vui vì được gặp người này người kia” - chị cười.

Cạnh đó là quầy nước và thức ăn nhẹ của chị Phượng, người phụ nữ quê Châu Phú về đây lập gia đình. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ, giá cả phải chăng. “Tôi sống bằng nghề bán nước uống, bán đồ ăn nhẹ. Có người từ miền Bắc, từ nước ngoài cũng đến. Họ ngồi nghỉ, uống nước, hỏi chuyện, rồi đi” - chị Phượng chia sẻ.

Du khách đến Tà Pạ mỗi người một cảm nhận, nhưng đa số đều chung một điều: Thích sự yên bình, mộc mạc. Cô Thanh, đến từ tỉnh Đồng Tháp cùng các cháu nhỏ, cho biết: “Tôi thấy chỗ này đẹp hơn tưởng tượng. Vừa có cảnh, vừa có chùa, không khí lại mát”. Một cụ bà 72 tuổi đến từ tỉnh Vĩnh Long thì bày tỏ: “Chùa ở đây khác nhiều. Ở quê tôi không có chùa nào nằm trên đồi cao như vậy”.

Tà Pạ không phải điểm du lịch ồn ào. Ở đây không có tiếng nhạc lớn, không có hàng quán san sát. Chỉ có tiếng gió thổi, tiếng chuông chùa lan xa mỗi sáng, và những người dân hiền hậu. Tà Pạ giống như một nơi để người ta chậm lại giữa những ngày tất bật, để hít thở không khí trong lành, để trò chuyện với người lạ, để nhìn lại chính mình trong một khung cảnh thật gần gũi và dễ chịu.

BÍCH GIANG