Lạc lối giữa rừng tầm vông

10/08/2024 - 10:12

 - Nếu điểm danh những điểm check-in “0 đồng” khi về Bảy Núi (tỉnh An Giang) mùa này, thì rừng tầm vông là một trong số nơi đáng được nhắc đến.

Mấy con đường quanh co được vô số ngọn tầm vông phủ lá che thành vòm mát rượi, hiện ra bức tranh quê rất đặc trưng của Việt Nam.

Cây tầm vông thuộc họ tre, ứng dụng nhiều trong đời sống. Đây là một trong những cây trồng chính được người dân ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) lựa chọn làm “cây kinh tế” nhờ mang lại nguồn thu khá.

Giống được trồng phổ biến ở đây là tầm vông nứa và tầm vông đá, có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp đất núi. Cây thích hợp trồng ở những nơi có nhiều ánh sáng, triền núi. Vì vậy, nơi không có rừng tạp, cổ thụ, tầm vông sẽ “bù đắp” che mát và tạo không khí rất trong lành.

Mùa mưa là mùa sinh trưởng tốt nhất của cây tầm vông. Dưới những cánh rừng xanh mát, đẹp như thơ… còn có chim, sóc, nhen… bay nhảy rộn ràng. Chặng đường đi làm mỗi ngày của người dân ở xứ núi cứ như một chuyến dạo chơi.

Mùa mưa, măng tầm vông mọc rất nhiều. Để nuôi thành cây trưởng thành, giai đoạn măng phát triển, nông dân sẽ bảo vệ từ phần ngọn bằng vải hoặc bọc ni-lon, để tránh các loại bệnh gây hại hoặc bị úng.

Vài năm gần đây, măng tầm vông còn trở thành đặc sản được tìm mua rất nhiều. Theo người dân địa phương, một cây tầm vông trưởng thành có giá trị cao gấp nhiều lần một mụt măng nhỏ. Vì vậy, ít ai khai thác măng để bán. Tuy nhiên, vẫn có một số vườn nhỏ, măng không đạt để nuôi cây sẽ được khai thác. Mặt khác, nhu cầu thưởng thức măng tầm vông ngày càng nhiều, một số hộ sẽ tuyển trong mỗi vụ để bán kiếm thêm thu nhập.

Ở huyện Tri Tôn, cây tầm vông được trồng tập trung ở các xã: An Tức, Lương Phi, Lê Trì, thị trấn Ba Chúc. Từ khoảng tháng 8 âm lịch sẽ là chính vụ khai thác cây tầm vông. Trước khi phân phối đi khắp thị trường các tỉnh, cây tầm vông phải qua công đoạn “nướng” trên lửa để ép thẳng.

Bên cạnh mục đích làm kinh tế của người dân xứ núi, những rừng tầm vông mang vẻ đẹp bình yên cũng rất hút khách tìm đến để chụp ảnh, thư giãn, “chữa lành”…

MỸ HẠNH