Lạc quan giữa đại dịch

03/12/2021 - 06:22

 - Khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, thay vì lo lắng, bi quan thì mỗi người dân hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực để vượt qua khó khăn cùng thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa đảm bảo cuộc sống hàng ngày diễn ra bình thường, vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch.

Tinh thần lạc quan của lao động tự do trong mùa dịch. Ảnh: THANH HÙNG

Lạc quan về kết quả phòng, chống dịch

Nhìn vào số ca mắc COVID-19 giảm theo từng ngày, đây là tín hiệu rất lạc quan về kết quả phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Điều này cho thấy chủ trương, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng phòng, chống dịch. Và một nhân tố hết sức quan trọng đó là ý thức đồng lòng, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của người dân. Nhận thức đúng, hành động đúng, đó là một tất yếu dẫn đến kết quả kéo giảm số ca nhiễm và hạ dần cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.

Tính từ ngày 26-11, cấp độ dịch của tỉnh An Giang đã hạ xuống cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Đối với cấp huyện, cấp độ 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) có 4 đơn vị: TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Phú và Phú Tân. Cấp độ 2 nguy cơ trung bình là 3 đơn vị: TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới và Tri Tôn. Cấp độ 3 nguy cơ cao là 2 đơn vị: Huyện An Phú và Châu Thành. Cấp độ 4 nguy cơ rất cao là 2 đơn vị: TP. Châu Đốc và huyện Tịnh Biên.

Đối với cấp xã, cấp độ 1 có 71 đơn vị, cấp độ 2 có 39 đơn vị, cấp độ 3 có 34 đơn vị và cấp độ 4 có 12 đơn vị. Với những kết quả trên, An Giang sẽ sớm trở về trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, UBMTTQVN, các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và địa phương đã vào cuộc huy động các nguồn lực xã hội, các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng không ngừng lan tỏa, kết nối những tấm lòng nhân ái cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Đó là những “Chuyến xe nghĩa tình”, “Chuyến xe ấm tình hậu phương”, chương trình “Hạt gạo nghĩa tình với nhân dân”… chở theo hàng trăm tấn gạo, rau củ, thực phẩm đi vào vùng dịch, đến các địa phương để tặng cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Còn có các “Gian hàng 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, bếp cơm thiện nguyện đêm ngày đỏ lửa… từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức đoàn thể, nông dân, công nhân, giáo viên, học sinh, người lao động… đang đoàn kết giúp đỡ, cùng nhau sẻ chia từng hạt gạo, bó rau, quả trứng… giúp nhau vượt qua những ngày khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Tinh thần lạc quan giúp vượt qua dịch bệnh. Ảnh: KHÁNH HƯNG - MINH HIỂN

Tinh thần lạc quan của người dân

Đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống và giảm thu nhập của rất nhiều người dân, nhưng hầu hết mọi người đều nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực, lạc quan và ý thức chung tay cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch.


Ông Nguyễn Đức Hải (huyện Châu Thành) cho biết: “Không chỉ gia đình tôi mà tất cả mọi người trong xóm đều đồng lòng ủng hộ, tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của chính quyền và ngành chức năng. Hy vọng sẽ nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng để bảo vệ sức khỏe mọi người”. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và ngành chức năng, quán ăn của gia đình chị Trần Thị Mỹ Hằng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chỉ bán mang về. Tuy giảm nguồn thu nhập, đối diện với nhiều khó khăn nhưng chị vẫn lạc quan, nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực.

“Tình hình khó khăn chung, dù có chật vật hơn nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Nhiều cơ sở kinh doanh phải thuê mặt bằng, lo cho công nhân, sau thời gian đóng cửa họ phải lo các khoản nợ, còn nặng gánh hơn mình. Trong điều kiện hiện nay, được sống an toàn mới là điều quý. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường” - chị Hằng chia sẻ.

Lạc quan giữa khó khăn, thay vì ngồi than thở chờ đợi sự trợ giúp, chị Nguyễn Thị Ngọc (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mở cửa hàng bán bánh kẹo online trên mạng xã hội kiếm thêm thu nhập. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch phải tạm ngưng hoạt động nên tôi tạm thời thất nghiệp, phải bán hàng online để phụ giúp gia đình. Đồng thời, tôi tính toán lại bữa ăn hợp lý, chỉ chi tiêu những việc cần thiết. Nói chung là càng tiết kiệm càng tốt. Mong dịch bệnh COVID-19 sớm bị đẩy lùi để đi làm lại” - chị Ngọc hy vọng.

Đối với những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, bên cạnh sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ thì tinh thần lạc quan cũng chính là liều thuốc rất quan trọng. Chị Cao Thị N.S đã từng là F0 được điều trị khỏi, chia sẻ: “Khi không may nhiễm COVID-19 thì ai cũng sẽ lo lắng, tuy nhiên, nếu lo sợ, bi quan quá thì dù bệnh chưa nặng cũng sẽ bị gục ngã vì sợ hãi, hoảng loạn và suy sụp tinh thần. Vậy nên hãy yên tâm, tin tưởng hướng dẫn điều trị của các y, bác sĩ. Ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục hợp lý để tăng cường sức khỏe. Quan trọng là phải giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh sẽ giúp mình rất nhiều để chiến thắng dịch bệnh COVID-19”.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây ảnh hưởng về sức khỏe mà còn gây xáo trộn đến cuộc sống. Vì vậy, mỗi người dân cần có sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực để chung sống an toàn với dịch bệnh. Nhất là không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi, nếu lơ là, chủ quan thì dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng đến chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

TRỌNG TÍN