Lại “nóng” vấn đề xăng, dầu

13/10/2022 - 07:30

 - Do nguồn cung xăng, dầu khó khăn, tình trạng các cửa hàng xăng, dầu đóng cửa hoặc treo biển “hết xăng”, “tạm nghỉ” lại tái diễn trên địa bàn An Giang, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Ngày 10/10, các đội quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giám sát 559 cơ sở kinh doanh xăng, dầu, có 556 cơ sở đang hoạt động. Trong đó, có 13 cửa hàng hết xăng; 1 cửa hàng hết dầu; 19 cửa hàng hết xăng, dầu tạm thời.

Ngày 11/10, có 26 cửa hàng hết xăng; 6 cửa hàng hết dầu; 29 cửa hàng hết xăng, dầu tạm thời. Trước đó, ngày 6/10, có 20 cửa hàng hết xăng, dầu tạm thời. Theo các cửa hàng, nguyên nhân do các đơn vị đầu mối phân phối nhỏ giọt hoặc giao hàng không kịp thời; có một vài cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động nhưng không có xăng, dầu để bán, vì mức hoa hồng thấp nên không nhập hàng.

“Khó khăn chung của các cửa hàng là nguồn cung về chậm nên có lúc thiếu xăng, dầu cục bộ. Mức chiết khấu ít nhất phải từ 1.200-1.300 đồng/lít thì DN kinh doanh xăng, dầu mới đủ bù chi phí, trong khi mức chiết khấu hiện tại rất thấp, thậm chí “0 đồng” nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, càng bán càng lỗ. Chúng tôi tạm ngừng kinh doanh vì thua lỗ, không có nguồn hàng để bán dù Bộ Công Thương liên tục khẳng định nguồn cung xăng, dầu được đảm bảo, không hề có chuyện thiếu hụt. Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành tính toán lại công thức giá, đảm bảo nguồn cung, giúp DN kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khó khăn” - đại diện một DN kiến nghị.

Khá đông người dân dồn về đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex An Giang

Theo Cục QLTT tỉnh, hầu hết các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh mở cửa hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các cửa hàng gặp khó khăn khi có tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng, dầu từ các đại lý, bên nhượng quyền thương mại và thương nhân phân phối nên cửa hàng bán lẻ không có nguồn để bán. Cục QLTT tỉnh An Giang đang tiếp tục giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, tình hình xăng, dầu trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định. Đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh xăng, dầu của DN, trong đó đã chấp thuận cho 11 cửa hàng tạm dừng theo quy định, chưa chấp thuận cho 13 cửa hàng tạm dừng do chưa phù hợp quy định (kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng…).

An Giang hiện có 5 thương nhân đầu mối xăng, dầu; 6 thương nhân phân phối và 2 tổng đại lý trong tỉnh; 21 thương nhân phân phối ngoài tỉnh và 571 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Sở Công Thương đã thông tin tình hình xăng, dầu trên địa bàn, gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và kiến nghị xem xét, điều chỉnh giá xăng, dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ; xem xét, đánh giá cách tính giá cơ sở, đảm bảo cho các DN được hưởng chiết khấu để duy trì kinh doanh...

Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) Hồng Phong chia sẻ: “Hiện tại, nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn An Giang đang rất khó khăn. Tình trạng mở cửa, hết hàng đã và đang có chiều hướng tăng dần trên diện rộng. Áp lực đổ dồn về hệ thống Petrolimex An Giang ngày càng gia tăng (cao gấp 2-3 lần bình thường), trong khi công ty dựa vào nguồn của tuyến trên phân bổ về để cung cấp cho hệ thống bán lẻ gồm 50 cửa hàng xăng, dầu trực thuộc và 38 đại lý nhượng quyền thương mại.

Với trách nhiệm DN nhà nước, chúng tôi liên tục báo cáo, xin hỗ trợ từ kho tuyến trên để tạo nguồn về địa phương; đa dạng hóa mặt hàng xăng, dầu để tăng nguồn; điều động hàng hóa nơi nhiều sang nơi ít để toàn hệ thống hoạt động xuyên suốt phục vụ người dân. Tuy nhiên, với áp lực quá lớn, Petrolimex An Giang rất khó đảm bảo sự ổn định, việc thiếu hoặc đứt nguồn cục bộ là điều khó tránh khỏi. Dù tình hình căng thẳng nhưng với công tác phân bổ nguồn tốt, cùng với giải pháp bán hàng phù hợp, hệ thống cửa hàng thuộc Petrolimex An Giang vẫn đang duy trì hoạt động để phục vụ khách hàng”.

Tình trạng một số cửa hàng xăng, dầu đóng cửa đang gây tâm lý hoang mang, khiến nhiều người đổ xô đi mua xăng, kể cả bình xăng trong xe vẫn còn. Tại một số cửa hàng của Petrolimex, xuất hiện khá đông người dồn về đổ xăng. Điển hình như Cửa hàng Petrolimex 01 (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), 7 cột bơm xăng, dầu hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu người dân.

"Một số cửa hàng tư nhân đóng cửa hoặc hết xăng nên lượng người dân đổ về đây rất đông, tăng 200% so bình thường. Cửa hàng tập trung tối đa quân số để phục vụ nhu cầu khách hàng, không để người dân chờ đợi lâu, gây mất trật tự. Được sự hỗ trợ từ phía công ty cung cấp nên cửa hàng cơ bản đáp ứng đủ lượng xăng, dầu cho khách hàng” - Cửa hàng trưởng Cửa hàng Petrolimex 01 Trương Hồng Vũ thông tin.

Giám đốc Petrolimex An Giang Hồng Phong cho biết: “Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt cùng những giải pháp đồng bộ; cộng đồng trách nhiệm của đầu mối, thương nhân phân phối trong đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống bán lẻ, tình hình sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. Rất mong sự chia sẻ từ khách hàng trước tình hình nguồn cung xăng dầu khan hiếm như hiện nay. Đề nghị các đại lý nhượng quyền thương mại nên tổ chức kinh doanh đa dạng thêm các mặt hàng xăng, dầu, như: Xăng E5-Ron92, dầu Diesel-V thay vì chỉ bán xăng Ron95-III và dầu DO 0.05%S. Đây cũng là giải pháp tăng thêm nguồn cung, hạn chế đứt gãy hoặc thiếu nguồn cục bộ do có sản phẩm thay thế kịp thời”.

HẠNH CHÂU