Làm bánh Kà-tum nuôi con ăn học

17/03/2020 - 06:27

 - Với việc giữ gìn và phát huy nghề làm bánh Kà-tum, một loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer không những giúp gia đình bà Néang Phương (xã Ô Lâm, Tri Tôn An Giang) có được cuộc sống ổn định, mà còn tạo điều kiện cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Làm bánh Kà-tum nuôi con ăn học

Cô Néang Phương là người làm bánh khéo và giỏi nhất tại xã Ô Lâm

Làm bánh Kà-tum nuôi con ăn học

Giữ nét văn hóa truyền thống

Gắn bó với nghề làm bánh Kà-tum gần 40 năm, cô Néang Phương cho biết, công việc này được cô học được từ người mẹ, khi ấy cô chỉ khoảng 16 tuổi. “Lúc trước, thấy mẹ làm bánh nên tôi bắt chước làm theo. Trước đây, bánh Kà-tum được làm chỉ để phục vụ trong các ngày lễ lớn của đồng bào DTTS Khmer, như: Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta… Ngày nay, nhu cầu đối với loại bánh này tăng cao, bánh hầu như được làm mỗi ngày” - cô Néang Phương chia sẻ.

Để làm thành phẩm 1 chiếc bánh Kà-tum phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay người thợ. Trong đó, phần vỏ bánh được xem là kỳ công nhất. Vỏ bánh được làm bằng lá thốt nốt và được đan thành hình tương tự như trái lựu với bông hoa nở trên đầu. “Lá thốt nốt được sử dụng làm bánh là lá non vì chúng mềm, dễ đan. Ngoài ra, sử dụng lá non khi nấu chín bánh sẽ cho màu sắc đẹp hơn so với lá già” - cô Néang Phương chia sẻ.

Sau khi đã hoàn thành xong phần vỏ là đến phần cho nguyên liệu vào chiếc bánh. Các nguyên liệu làm bánh Kà-tum chủ yếu là nếp, đậu trắng, dừa và một ít gia vị. Theo cô Phương, trước đây, bánh Kà-tum sử dụng loại nếp truyền thống đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer là Chon Hô. Ngày nay, loại nếp này không còn canh tác nhiều tại địa phương. Do giá của loại nếp này khá cao nên cô Phương đã thay thế bằng nếp thông thường, tuy nhiên hương vị của bánh vẫn còn được giữ nguyên, không thay đổi nhiều so với trước.

Hiện nay, cô Néang Phương là người làm bánh khéo và giỏi nhất vùng này.  Cô Néang Phương cho biết, mỗi cái bánh cô làm mất 5 phút. Trường hợp có đơn đặt bánh nhiều, phải nhờ các chị, em trong địa phương phụ giúp. “Bánh Kà-tum được nhiều người biết đến nên gia đình tôi làm quanh năm, hiện mỗi chiếc bánh được bán với giá 5.000 đồng” - cô Néang Phương chia sẻ.

Nuôi con học hành nhờ bánh Kà-tum

Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình cô Néang Phương rất khó khăn, vợ chồng phải làm thuê, mướn để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ lúc được địa phương, ngành chức năng hỗ trợ tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường, bánh Kà-tum được nhiều người biết đến với một loại bánh độc đáo và sự công phu của người thợ. Nhờ vậy, cô Néang Phương có đơn hàng làm thường xuyên, đến nay cuộc sống gia đình cô đã được cải thiện nhiều hơn so trước đây, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.

Nhớ lại thời điểm khó khăn, cô Néang Phương chia sẻ: “Lúc trước, gia đình tôi cực khổ lắm. Do nhà không có ruộng đất để sản xuất nên phải đi làm mướn cho người khác, từ cấy lúa, nhổ cỏ, làm đậu phộng… ai thuê gì làm nấy. Đến khi con gái tôi được 5-6 tuổi, người ta không thuê tôi làm nữa, vì tôi dẫn con theo. Từ đây, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm bánh Kà-tum để bán ngoài chợ. Một phần là có được nguồn thu nhập để lo cho gia đình, quan trọng nhất là có thể đưa rước con đi học”.

Khó khăn là vậy nhưng cô Néang Phương vẫn động viên con của mình cố gắng học hành, bởi theo cô, chỉ có học hành đến nơi đến chốn mới đem lại cuộc sống sung túc sau này. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, em Néang Sóc Rôm (con cô Néang Phương) luôn cố gắng chăm ngoan, học hành nghiêm túc, 12 năm liền em là học sinh khá, giỏi của trường. Hiện, em đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Em Néang Sóc Rôm chia sẻ: “Nhà nghèo, cha mẹ cực khổ nên em cố gắng học tập để sau này giúp ích cho gia đình, lo cho cuộc sống sau này”.

Hiện nay, ngoài làm bánh Kà-tum, gia đình cô còn thuê 20 công đất để canh tác lúa, nhờ vậy cuộc sống gia đình cô tốt hơn so với trước đây. Từ món bánh đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer đã giúp cho gia đình cô Néang Phương có được việc làm, kinh tế gia đình từng bước ổn định hơn.

Với mong muốn lưu truyền, gìn giữ và phát huy món ăn dân tộc, cũng như giúp nhiều bà con khác có thêm nguồn thu nhập, cô Néang Phương đã tổ chức các lớp dạy nghề nhằm truyền lại cách làm món bánh công phu này cho những hộ dân lân cận. Hơn hết, cô Néang Phương và xã Ô Lâm mong muốn đưa món bánh trở thành một nét đặc sản ẩm thực của đồng bào DTTS Khmer đến nhiều người và sẽ được biết đến rộng rãi hơn.

ĐỨC TOÀN