Bong bóng cá là một trong những cơ quan nội tạng mà tất cả các loài cá đều có. Bong bóng cá có hình dạng như một chiếc túi chứa không khí, giúp cá có thể điều chỉnh được tỷ trọng và khả năng chìm, nổi của cá khi bơi trong nước. Khi chế biến cá, người ta không sử dụng phần bong bóng cá. Tại các cơ sở chế biến thủy sản, bong bóng cá được xem là phụ phẩm, chủ yếu được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng nhờ vào sự tìm tòi, học hỏi cộng với đôi bàn tay khéo léo, cần cù và tinh thần sáng tạo của những người nông dân đã hình thành và phát triển nghề mới, nghề chế biến khô bong bóng cá XK.
Người dân chế biến gia công bong bóng cá tại nhà
Một trong những nông dân phất lên nhanh từ chế biến khô bong bóng cá là ông Trần Văn Ngây (ấp Trung Bình, xã Thoại Giang). Cơ sở chế biến khô bong bóng cá của ông Ngây hoạt động từ năm 2009. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay cơ sở chế biến của ông Ngây ngày một phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị. Ông Ngây cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở của ông chế biến hơn 300kg bong bóng cá tra và cá ba sa tươi. Nguyên liệu được ông Ngây thu mua với giá 42.000 đồng/kg từ các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm được bán chủ yếu theo đường tiểu ngạch cho thương lái đến từ các nước: Thái Lan, Trung Quốc… với giá khoảng 290.000 đồng/kg. Theo ông Ngây, từ bong bóng cá tươi để trở thành sản phẩm XK phải qua nhiều công đoạn. Trước hết, phải lột sạch mỡ cá phía ngoài rồi lộn ngược bong bóng cá để lấy gân và chỉ máu. Sau đó, đem ngâm muối 1 ngày, 1 đêm trong môi trường quy định để bong bóng cá sạch và trắng. Kế đến là công đoạn nong bong bóng cá vào những ống cao su (mỗi ống nong 4-5 cái tùy kích cỡ của bong bóng cá) để định hình cho bong bóng cá. Cuối cùng là phơi nắng trong 2-3 ngày đến khi bong bóng cá khô lại có màu trắng trong là đạt tiêu chuẩn. Khi đến mùa mưa phải sấy khô bong bóng cá bằng lò sấy, nếu không bong bóng sẽ bị hỏng. Bình quân cứ 10kg bong bóng cá tươi sẽ cho ra 2,2kg khô bong bóng cá. “Làm khô bong bóng cá quan trọng nhất là phải làm sạch, không còn máu, nếu không bong bóng sẽ bị hôi tanh, không thể sử dụng được hoặc khi bong bóng khô lại sẽ có màu đục, không được trong đẹp, rất khó bán…” - ông Ngây thông tin thêm.
Chế biến khô bong bóng cá đã và đang được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cao. Vì vậy, các cơ sở chế biến khô bong bóng cá, dù lớn hay nhỏ đều đã đầu tư lò sấy, hệ thống xử lý nước thải, cải tiến quy trình kỹ thuật, kích thước và mẫu mã sản phẩm, làm sân phơi… để phát triển nghề. Dọc 2 bên đường ở thị trấn Óc Eo rất dễ thấy những vỉ phơi bong bóng cá màu trắng trên các ống nhựa. Ở đây, hầu như nhà nào từ già, trẻ, trai, gái đủ mọi lứa tuổi đều tham gia chế biến, gia công bong bóng cá. Theo UBND thị trấn Óc Eo, hiện tại trên địa bàn có 3 cơ sở có quy mô lớn chế biến khô bong bóng cá tra và cá ba sa XK. Trung bình mỗi ngày 3 cơ sở này chế biến khoảng 2.000kg khô bong bóng cá thành phẩm, góp phần giải quyết việc làm từ 200-300 lao động thường xuyên tại cơ sở và khoảng 100 hộ nhận bong bóng cá tươi về gia công tại nhà, với thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Chị Đào Thị Mỹ Xuyên (ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo) cho biết, chế biến bong bóng cá khá đơn giản, chỉ cần chịu khó là làm được, có thu nhập khá cao và ít tốn chi phí… Nếu gia đình nhiều người thì chia nhau mỗi người làm một công đoạn, sẽ làm được nhanh và nhiều hơn. Ngày nào gia đình chị Xuyên cũng nhận từ 50-100kg bong bóng cá tươi đem về nhà để gia công chế biến với giá 7.000-8.000 đồng/kg. “Gia đình tôi không có ruộng đất để sản xuất, cuộc sống chỉ trông chờ nghề làm hồ của chồng, chi phí trang trải hàng ngày rất eo hẹp. Bây giờ, mỗi ngày tôi làm khoảng 20kg bong bóng cá tươi được 160.000 đồng, nhờ vậy cuộc sống vợ, chồng tôi khấm khá hơn trước…” - chị Huỳnh Thị Minh Nguyệt (ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo) chia sẻ.
TRỌNG TÍN