Sau khi kết thúc các hoạt động Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp, theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Sự kiện diễn ra từ ngày 3 - 7/10. Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc gia tại Điện Invalides ở Thủ đô Paris.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp với tư cách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực thời gian qua, chuyến thăm nhằm thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Cộng hòa Pháp và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Cộng hòa Pháp đang là một trong những đối tác Châu Âu hàng đầu của Việt Nam về du lịch, thương mại, đầu tư, viện trợ ODA; tham gia vào nhiều dự án góp phần vào sự phát triển, hiện đại hóa, cải thiện chất lượng và môi trường sống của người dân Việt Nam, như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, không chỉ góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, các hoạt động thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp là dấu mốc quan trọng, sẽ tạo thêm khuôn khổ, động lực và mở ra giai đoạn mới để nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như quan hệ hai nước. "Việc Việt Nam có đoàn cấp cao do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này cho thấy, Cộng đồng Pháp ngữ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, mà cả ở trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam" - Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.
Bên cạnh Hội nghị cấp cao còn có rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức và nhận được sự tham gia tích cực của các nước Pháp ngữ. Trong khuôn khổ hội nghị còn có Diễn đàn kinh tế và triển lãm FrancoTech nhằm giới thiệu, kết nối các đối tác kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các thị trường Pháp ngữ. Việt Nam và Cộng hòa Pháp đã ký nhiều văn kiện hợp tác giữa Chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sự thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh sẽ góp phần làm sâu sắc hơn các nền tảng hợp tác sẵn có, khai thác thêm nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác giữa hai nước.
Ngoài ra, một số trường đại học và doanh nghiệp cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác, như: Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, Thỏa thuận hợp tác với UNESCO về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Airbus và Vietjet bàn giao tàu bay mới mang hình ảnh biểu tượng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Pháp…
Đặc biệt, lãnh đạo hai nước nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh Châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Trong thời gian tham dự hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục và đào tạo, văn hóa, giao lưu Nhân dân… và tăng cường phối hợp về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, trên cả bình diện song phương và đa phương.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, quan hệ đối tác kinh tế, hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường...
Những dấu ấn nổi bật trong toàn bộ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Kết quả này không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương, mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
H.N