Nhờ sử dụng xe cơ giới chuyên chở mía nên nông dân thuận lợi khi thu hoạch mía. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay tỷ lệ cơ giới khâu làm đất đạt rất cao, trên 90%. Nhưng khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân… vẫn còn rất hạn chế. Một số doanh nghiệp lớn ở những địa phương có khả năng dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lón đã có sự đầu tư thiết bị máy móc thực hiện cơ giới hóa tương đối đồng bộ, chuyên nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch tạo được hiệu quả cao, giảm chi phí trong sản xuất. Hiện nay, cả nước đã có trên 50 máy thu hoạch mía liên hợp, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thu hoạch mía bằng máy.
Nhiều nhà máy đường đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong: tưới tiêu cho mía như tưới phun, tưới nhỏ giọt... Nhiều vùng đã sử dụng máy bơm di động dùng nguồn năng lượng từ pin mặt trời. Hầu hết các diện tích mía được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, đều nâng cao được năng suất, chất lượng mía và hiệu quả kinh tế rõ rệt so với không được tưới.
Một số doanh nghiệp mía đường thông qua các chương trình hợp tác chuyển giao công (Nhà máy Đường An Khê) hoặc được tài trợ từ nước ngoài (Thanh Hóa) đã tiến hành áp dụng thử nghiệm các giải pháp công nghệ 4.0 mới như của Mỹ, Australia… để chuyển đổi số trong quản lý điều hành nhà máy đường. Việc ứng dụng công nghệ còn hỗ trợ nông dân trong hoạt động canh tác mía như xác định thời điểm làm đất, bón phân, phun thuốc và thu hoạch; hay phát hiện những bất thường trên đồng ruộng giúp dễ dàng theo dõi và đánh giá tình hình sinh trưởng của mía để sớm phát hiện được các rủi ro và hạn chế thiệt hại. Công nghệ còn giúp ước tính được thời điểm mía chín để có được chiến lược thu mua phù hợp.
Về giống mía, nhằm tiếp tục nghiên cứu xác định cơ cấu bộ giống mía thích hợp cho các vùng sinh thái, Viện Nghiêu cứu mía đường đã đưa 23 dòng/giống mía mới; trong đó, 12 dòng/giống mía lai Việt Nam và 8 giống mía nhập nội vào khảo nghiệm tại các vùng sinh thái. Kết quả bước đầu đã xác định được một số dòng/giống triển vọng, có năng suất, chất lượng cao như VN12-9-2, VN12-64-25, VNN08-14-12, KK07-250, U-thong 15, U-thong 17, CSB06-4-162, NSUT10-266, YZ08-1609....
Những ứng dụng trên, đã giúp mía đường Việt Nam có 4 vụ liên tiếp gần đây, sản lượng mía ép tăng 166% và sản lượng đường tăng 161%. Qua đó, đã giúp năng suất đường niên vụ 2023/24 Việt Nam đạt đến mốc 6,79 tấn đường/ha. Đối sánh với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.
Cũng nhờ đó mà giá thu mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên với mức tăng 152% so với vụ 2019/2020. Hiện nay, giá mía đã lên mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/tấn, tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dự kiến vụ ép 2024-2025 cả diện tích mía thu hoạch, sản lượng mía ép và sản lượng đường đều tăng so với niên vụ trước. Các đơn vị tiếp tục củng cố chuỗi liên kết sản xuất mía đường, xây dựng thị trường lành mạnh; đồng thời, phòng chống hành vi gian lận thương mại đường, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường cũng như có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu mía để mía đường Việt Nam phát triển bền vững.
Theo BÍCH HỒNG (Báo Tin Tức)