Lần đầu tiên, vấn đề bảo hiểm xã hội được đưa ra thảo luận tại Quốc hội

27/10/2021 - 18:41

 - Tiếp tục nội dung chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 27-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 27-10

Có 23 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong năm 2019 - 2020.

Đa số ĐBQH đánh giá cao việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định đưa nội dung về BHXH để thảo luận toàn thể tại hội trường, khẳng định tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về BHXH - một trong những trụ cột của an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu lo ngại, với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo số người hưởng chế độ BHXH 1 lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng này; rà soát quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần, mức hưởng, thủ tục thực hiện.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi bổ sung Luật BHXH và một số luật có liên quan, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội, như dịch bệnh COVID-19, già hóa dân số.

Các đại biểu cũng phân tích, cho ý kiến về vấn đề: thu, nợ đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp; chi trả BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tình hình kết dư Quỹ (Quỹ Ốm đau, thai sản; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp; Quỹ Hưu trí, tử tuất; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp); việc đầu tư Quỹ BHXH…

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề xuất Trung ương cần có chính sách phù hợp trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm một cách bền vững. Trên cơ sở đó, nghiên cứu lộ trình, mức đóng phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập người dân, tương xứng với chất lượng dịch vụ. Đề nghị Quốc hội có ý kiến tăng cường đầu tư, nâng cấp về thuốc, trang bị, nhân lực ở tuyến cơ sở, theo hướng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Có chính sách ưu tiên cho xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, dân tộc thiểu số; quan tâm miễn, giảm, hỗ trợ BHYT cho học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn cho người dân khi mua BHYT theo hộ gia đình khi chủ hộ lao động bị thất nghiệp, ảnh hưởng dịch bệnh.

Về BHXH, nhiều ý kiến đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 10 năm, với các điều kiện phù hợp hoặc có thể thiết kế gói BHXH linh hoạt, phù hợp nhu cầu xã hội hiện nay; có giải pháp kéo giảm nợ đóng BHXH, BHYT của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cùng với 267 ý kiến thảo luận tại tổ, Chính phủ và Bộ nhận thấy đây là những ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ và thiết thực. Sau kỳ họp này, chúng ta sẽ có bước phát triển mới về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong triển khai, phát triển chính sách BHXH. Việt Nam có nền BHXH non trẻ (bắt đầu từ năm 1995), nhưng phát triển tương đối nhanh, phù hợp thực tiễn, cơ bản đáp ứng và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng bày tỏ sự cầu thị, lắng nghe đóng góp của đại biểu về những tồn tại, hạn chế thời gian qua trong triển khai chính sách BHXH. Sắp tới, Bộ và các cơ quan liên quan sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm; phát triển hệ thống xã hội đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH ở mức tối thiểu từ 20 năm xuống còn 10 năm; chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, dần dần hình thành “văn hóa an sinh”…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình: chúng ta đạt được 90, 85% dân số tham gia BHYT. Vẫn còn những vấn đề phải hết sức quan tâm, như mở rộng độ bao phủ của BHYT, bảo đảm tính bền vững của BHYT. Về y tế cơ sở, như ĐBQH đã đặt vấn đề, Bộ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống, tăng cường đầu tư, nhân lực, cơ chế tài chính đặc biệt…, đảm bảo trong tương lai đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn sinh sống. Về chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, đề án khám,  chữa bệnh từ xa…

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích