Lan tỏa vẻ đẹp những điệu xòe Thái vùng Tây Bắc

08/12/2023 - 08:38

Đã hai năm kể từ khi nghệ thuật xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau khi được ghi danh, loại hình dân vũ độc đáo này càng được bảo tồn, thực hành, trao truyền rộng rãi để lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp nhân văn về tình đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng.

Trình diễn xòe Thái tại chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Nhắc đến xòe Thái là nhắc đến nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, lâu đời đã trở thành nhịp sống, hơi thở của người Thái vùng Tây Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Người Thái quan niệm: “Không xòe không tốt lúa; Không xòe thóc cạn bồ; Không xòe hoa sẽ tàn héo; Không xòe trai gái không thành đôi”, cho nên trong tất cả các nghi lễ sinh hoạt cộng đồng từ cúng mường, cúng bản, tang ma, tạ ơn, cầu mưa... cho tới mừng nhà mới, đám cưới, mừng sinh nhật… đều dập dìu những điệu xòe uyển chuyển.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, trên cơ sở sáu điệu xòe cổ, người Thái đã sáng tạo nên những sinh hoạt xòe rất đa dạng, sinh động và chứa đựng những biểu tượng đặc sắc. Có ba loại xòe là xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe trình diễn. Người Thái sử dụng nhiều phương tiện để xòe và mỗi phương tiện lại gọi tên một dạng xòe, như xòe khăn, xòe trống, xòe nón, xòe tính tẩu... Không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, xòe còn là biểu hiện của tinh thần đoàn kết, tôn trọng, khuyến khích đối thoại, giao lưu giữa các cá nhân trong cộng đồng…

Theo các chuyên gia, những đặc tính này càng tạo điều kiện để xòe được duy trì, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị trong bối cảnh đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hội nhập hiện nay. Từ trước khi được UNESCO ghi danh, các nghệ nhân dân gian, những thành viên cộng đồng am hiểu về xòe Thái tại các địa phương sở hữu di sản đã tích cực tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ trong trường học.

Hàng nghìn đội văn nghệ đã được hình thành ở các thôn, bản của bốn tỉnh có xòe, trở thành lực lượng nòng cốt trong trình diễn, sinh hoạt xòe Thái. Các câu lạc bộ xòe cũng nhận được hỗ trợ của địa phương trong tập luyện, mua nhạc cụ... Đặc biệt, sau ghi danh, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị xòe trong cộng đồng người Thái, các tỉnh sở hữu di sản còn tích cực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp xòe Thái tới du khách trong nước, quốc tế.

Cùng với thực hành xòe ở địa phương, nhiều tỉnh đưa xòe đi diễn ở các vùng, miền trên cả nước. Xòe còn được một số đoàn văn công đưa đi giới thiệu biểu diễn ở Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc, khẳng định sự đa dạng, giàu có của văn hóa Việt Nam với thế giới.

Không những thế, xòe còn được xác định là tài nguyên hấp dẫn giúp mời gọi khách du lịch đến khám phá sự quyến rũ của đất trời Tây Bắc. Với du khách, những động tác xòe có sức thu hút và hấp dẫn đặc biệt, bởi bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm, dù là trai hay gái, già hay trẻ đều có thể cùng hòa vào vòng xòe để hiểu sự hiếu khách của người Thái và cảm nhận sợi dây kết nối với cộng đồng. Thời gian qua, xòe đã góp sức tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh du lịch Tây Bắc và mang đến sinh kế ổn định hơn cho người dân bản địa.

Chị Đinh Thị Hiến ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Từ khi xòe Thái được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi càng cố gắng giữ gìn tốt hơn nét đẹp văn hóa này. Ở xã có 8 thôn bản thì thôn bản nào cũng có đội văn nghệ biểu diễn xòe Thái. Tôi cũng lập ra một đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ du khách. Chúng tôi thường múa sáu điệu xòe cổ. Ngoài diễn phục vụ khách, chúng tôi còn có những buổi sinh hoạt thường xuyên vào các ngày cuối tuần để nhiều bạn trẻ và các em nhỏ được học về xòe Thái, từ đó thêm yêu và có ý thức bảo tồn xòe Thái. Tôi mong xòe Thái sẽ được các cấp ban, ngành quan tâm hơn và quảng bá nhiều hơn tới du khách trong nước, quốc tế”.

Bà Lường Thị Ngọc Tâm ở bản Áng, Mộc Châu, Sơn La cho hay, xòe Thái được UNESCO ghi danh là điều tuyệt vời vì có đông khách du lịch hơn đến bản Áng. “Nhà tôi làm du lịch, mỗi khi có khách, đội xòe sẽ biểu diễn khoảng 20 phút với một số bài xòe khăn, xòe nón... giới thiệu về bản làng quê hương mình, sau đó chào khách và mời khách tham gia biểu diễn. Tôi mong được các công ty du lịch tập huấn thêm và cùng chúng tôi xây dựng nhiều hoạt động hấp dẫn khách hơn”, bà Tâm chia sẻ.

Trong Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật xòe Thái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp về tuyên truyền, quảng bá, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật xòe Thái, tỉnh đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nghệ thuật xòe Thái theo hướng bền vững; hình thành các tour, tuyến du lịch trải nghiệm kết nối xòe Thái với di sản văn hóa và các địa danh nổi tiếng của người Thái Mường Lò để xây dựng “Hành trình di sản xòe Thái”; nghiên cứu đưa những lễ hội, nghi lễ gắn với nghệ thuật xòe như lễ hội Rằm tháng Giêng, Xên bản, Xên Mường, Lồng tồng... thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ ở các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm quà tặng, lưu niệm gắn với nghệ thuật xòe Thái...

Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật xòe Thái giai đoạn 2023-2027 trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng khẳng định nội dung cần tổ chức trình diễn xòe tại các điểm du lịch, khu du lịch, bản du lịch cộng đồng và trong các sự kiện du lịch, hội chợ xúc tiến quảng bá du lịch, dịp Tết, lễ hội truyền thống nhằm giao lưu và giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về nghệ thuật xòe Thái... Đây là những tín hiệu vui cho thấy sự quan tâm cũng như quyết tâm của các tỉnh có di sản trong việc đưa xòe Thái trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Mới đây, để lan tỏa thông điệp “Lên Tây Bắc-Về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch”, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tổ chức Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Hà Nội. Trong đó, nghệ thuật xòe Thái là một trong hai di sản được lựa chọn giới thiệu. Không chỉ tái hiện không gian trưng bày liên quan nghệ thuật xòe Thái với các hình ảnh, thuyết minh, trang phục..., chương trình còn mang đến những màn trình diễn xòe Thái, những câu chuyện được kể bởi chuyên gia và chính những người đang nắm giữ, thực hành xòe Thái.

Từ đó, giúp công chúng Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu và mong muốn được đến với núi rừng Tây Bắc nối rộng hơn những vòng xòe... Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hoạt động cần được nhân rộng ở trong và ngoài nước để xòe Thái nói riêng, di sản văn hóa Việt Nam nói chung có cơ hội được quảng bá rộng khắp, thu hút đông đảo đối tượng du khách khám phá, trải nghiệm.

Theo Nhân Dân