Lắng nghe và thấu hiểu trẻ em

29/06/2023 - 06:44

 - Để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhiều địa phương đã tổ chức diễn đàn “Trẻ em nói về các vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại, đuối nước ở trẻ em và an toàn trên môi trường mạng”, vừa là sự chia sẻ và là dịp để các cấp, ngành lắng nghe, thấu hiểu trẻ em hơn.

Các em đặt câu hỏi tại Diễn đàn lắng nghe trẻ em ở TX. Tịnh Biên

Diễn đàn lắng nghe trẻ em vừa được tổ chức, với sự tham gia của các thiếu nhi từ 10 đến 15 tuổi, thuộc xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tân Lập và An Cư (TX. Tịnh Biên). Tại diễn đàn, các em nhỏ được bổ sung những kiến thức bổ ích với nhiều chủ đề phong phú, như: Kỹ năng phòng tránh, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em; cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ, nhà trường và bản thân trẻ làm gì để phòng tránh nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục; các phương thức, thủ đoạn, hành vi và hậu quả của xâm hại tình dục.

Làm thế nào để hạn chế trẻ em sử dụng mạng xã hội, cách sử dụng mạng an toàn đối với trẻ em; chủ động ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ bị lôi kéo, dụ dỗ; tình trạng bạo lực trẻ em hiện nay, kiến thức, kỹ năng phòng, tránh bạo lực; tình trạng trẻ em lao động sớm, giải pháp phòng ngừa trẻ em lao động sớm; các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích… Diễn đàn bao gồm: Góc trưng bày truyền thông, trình bày tiểu phẩm, giao lưu, đối thoại với lãnh đạo thị xã.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho thiếu nhi trình bày những vấn đề thắc mắc liên quan đến trẻ em, các em đặt câu hỏi liên quan và được giải đáp ngay. Mục tiêu là giúp trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan đến trẻ em theo chủ đề.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, ngành và cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ quyền cơ bản của trẻ em. Tạo môi trường giao lưu an toàn, lành mạnh, có sự tham gia, đóng góp của trẻ em, cung cấp những kiến thức, kỹ năng và truyền tải thông điệp về phòng, chống bạo lực, xâm hại, đuối nước ở trẻ em và an toàn trên môi trường mạng.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Nguyễn Ngọc Ngân rất tâm đắc với hoạt động của diễn đàn. Chị Ngân chia sẻ: “Đây là dịp để các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, như: Xã Lương An Trà, Ô Lâm, Cô Tô, Tân Tuyến được bổ sung thêm kiến thức về Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, cách các em tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Trong một thế giới mở, nếu các em không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sẽ không thể tự bảo vệ mình trước rất nhiều nguy cơ, sự lợi dụng của các đối tượng xấu. Đồng thời, qua diễn đàn, các em nhỏ biết thêm nhiều địa chỉ tin cậy, tổng đài bảo vệ trẻ em, sẽ mạnh dạn chia sẻ hơn khi gặp những vấn đề khó khăn mà độ tuổi bản thân các em không thể tự giải quyết hoặc không thể chia sẻ với cha mẹ, thầy cô”.

Trong thế giới mở, trẻ em có thể dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin, thế nhưng vấn đề các em băn khoăn hiện nay là có rất nhiều trang mạng xã hội, ứng dụng hấp dẫn. Vậy làm sao để nhận diện cái nào đúng hay sai, làm sao để sử dụng mạng xã hội mà vẫn an toàn.

Tại diễn đàn chia sẻ giữa học sinh và Công an TP. Long Xuyên, bạn Đỗ Lê Bảo Quyên (học sinh lớp 8A4, Trường THCS Lý Thường Kiệt, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mặc dù đã được người lớn nhắc nhở nhưng bản thân em không thể phân biệt những thông tin nào đúng hay sai, bổ ích hay không bổ ích, nay được tham gia diễn đàn em mới có dịp lắng nghe sự chia sẻ sâu hơn. Từ đó, trước những thông tin trên mạng xã hội, em sẽ tự đặt ra câu hỏi để nhìn nhận vấn đề, nếu không thấu suốt sẽ chia sẻ thông tin với người lớn. Đồng thời, em sẽ cẩn trọng hơn và ít tham gia mạng xã hội để dành thời gian học tập”.

Thông qua diễn đàn, nhiều vấn đề băn khoăn, mang tính thời sự đang hàng ngày tác động đến trẻ sẽ được các em trình bày. Qua đó, các ngành, các cấp có thể đánh giá được mức độ hiểu biết của trẻ em về vấn đề liên quan, về môi trường giáo dục, gia đình và xã hội. Từ đó, tiếp tục có những định hướng, chính sách giúp đỡ, chăm lo trẻ em địa phương để các em có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp.

TRÚC PHA