Làng nghề vào vụ làm ăn mùa Tết

11/12/2018 - 07:31

 - Hơn 1 tháng qua, nhiều làng nghề truyền thống đã bước vào vụ sản xuất chính của năm, không khí làm việc đâu đâu cũng tất bật để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường. Đến từng nơi quan sát nhịp sống lao động khẩn trương, hàng hóa được vận chuyển liên tục, sắc màu và mùi hương của thành phẩm mới cùng hòa quyện, có thể cảm nhận được không khí của Tết sớm.

“Được mùa” đơn hàng

Tại làng nghề bó chổi cọng dừa thuộc ấp Tây Bình A (xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn), giữa không gian im ắng của làng quê vẫn diễn ra nhịp độ làm việc tích cực của các hộ sản xuất. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (đại diện làng nghề) cho biết, từ tháng 10 (âm lịch), làng nghề đã gia tăng cường độ sản xuất nhưng vẫn không kịp giao hàng. Nơi đây hiện có hơn 50 hộ với 300 lao động. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ ở các ấp lân cận và xã Vĩnh Trạch nhận nguyên liệu về nhà bó. “Mỗi ngày làm ra bao nhiêu là có xe đến thu mua bấy nhiêu. Năm nào cũng vậy, mọi người phải làm gấp đôi ngày thường, tháng sau phải tăng hơn nữa và làm cả ban đêm mới đủ lượng hàng giao theo đơn yêu cầu. Nhờ có nghề này, phụ nữ không phải đi làm thuê, ở nhà lo nội trợ xong thì bó chổi, thu nhập bình quân 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày” - bà Thủy chia sẻ.

Các cơ sở sản xuất bánh phồng tại làng nghề bánh phồng thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) đã bắt đầu khởi động. Mùa này, nhu cầu sử dụng bánh phồng làm xôi, bánh, phục vụ tiệc khá nhiều nên bánh tiêu thụ mạnh hơn hẳn. Bước vào mùa sản xuất chính của năm, các hộ tất bật ngày, đêm và tăng số lượng gấp đôi so với ngày thường. Ông Lê Thiện Hiền (chủ cơ sở lâu năm tại đây) cho biết, hơn 1 tháng qua việc sản xuất bánh đã tăng tốc ở hầu hết các lò. Thợ phải thức dậy từ 2 giờ sáng để xôi bánh, quết, cán rồi ra thành phẩm cho kịp phơi nắng sáng. Tiếng quết xôi sáng đêm, mùi nếp thơm lừng trong mọi ngõ ngách, ở đâu có nhà làm bánh phồng là xung quanh “phủ” đầy chiếu phơi. Mấy năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy quết bột hoặc cán bánh nên vài công đoạn trong cách làm được giảm bớt nặng nhọc cho người thợ. Hơn nữa, số lượng bánh làm ra đều, đẹp như nhau, nhanh hơn, chất lượng hơn, kịp thời đáp ứng đơn đặt hàng những tháng cuối năm.

Thời tiết nắng tốt cộng với nhu cầu thị trường tăng cao giúp các nghề truyền thống ở một số nơi khác thuận lợi và hoạt động xôm tụ không kém, như: làng làm lò đất ở Phú Thọ (Phú Tân), làng nhang Bình Đức, bánh tráng Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên)… Đơn hàng được thương lái đặt trước vài tháng. Các mặt hàng truyền thống hiện nay đã có một số máy móc thay thế công lao động nên chất lượng được đảm bảo hơn, chỉ còn chạy số lượng theo yêu cầu.

Làng nghề vào vụ làm ăn mùa Tết

Làng nghề vào vụ làm ăn mùa Tết

Các làng nghề bước vào vụ sản xuất chính của năm luôn nhộn nhịp, tất bật Ảnh: M.H - T.H

Tăng giá vẫn không lo đầu ra

Các làng nghề sản xuất phục vụ thị trường Tết năm nay đều tăng giá thành phẩm do giá nguyên liệu nhập về đã tăng từ nhiều tháng trước. Tuy làm truyền thống nhưng nhiều làng nghề không có sẵn nguyên liệu. Điển hình với sản phẩm lò đất xã Phú Thọ, nguyên liệu phải mua từ Hòn Đất (Kiên Giang) vì đất có lẫn cát mịn. Những năm gần đây, nguyên liệu đất sét và trấu làm lò tăng cao nên lợi nhuận không được cao. Bù lại, nhờ số lượng nhiều nên có thể “đắp đổi” qua lại, sản phẩm lò đất được phân bố khắp ĐBSCL. Còn sản phẩm chổi cọng dừa Vĩnh Chánh, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, phần lớn nguyên liệu chủ yếu mua từ Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh. Nếu trước đây giá chổi loại thông dụng có giá sỉ là 6.000 đồng thì nay tăng 18.000 - 19.000 đồng; chổi loại tốt được đặt làm có giá 24.000 - 25.000 đồng. Tuy nhiên, làng nghề không lo đầu ra vì tình hình chung mọi vật giá đều thay đổi. Giá chổi bán ra thị trường tăng nhẹ được bạn hàng chấp nhận, công lao động của thợ bó tăng theo để đảm bảo sinh hoạt và sống được với nghề.

Nhằm tránh tình trạng nhập nguyên liệu giá cao vào thời điểm cuối năm, một số làng nghề như: se nhang, bó chổi bông sậy, làm mộc chủ động nhập nguyên liệu “gối đầu” từ rất sớm. Do có kinh nghiệm đón đầu tình hình, nhiều cơ sở chủ động được nguyên liệu cho cả thời điểm sau Tết. Những sản phẩm làng nghề là thực phẩm có lợi thế hơn vì nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Như sản phẩm bánh phồng Phú Mỹ được chọn nguyên liệu nếp ngon loại 1 của vùng, các nguyên liệu phụ tăng nhẹ nên giá bánh năm nay chỉ nhích lên chút đỉnh, không ảnh hưởng nhiều đến cung - cầu giữa cơ sở cung cấp và thương lái. Ông Lê Văn Lộng (người đã gắn bó nhiều năm với nghề làm lò đất) chia sẻ: “Các hộ theo nghề truyền thống bây giờ vì mục đích kinh tế là chính, nhưng quan trọng hơn là giữ nghề lâu dài. Vì vậy, mỗi năm muốn duy trì được sản xuất và đầu ra, ai cũng phải tính toán để chủ động về nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giữ mối cũ, vừa tìm kiếm thị trường mới”.

Mỗi năm dồn sức cho một mùa, cực nhưng vui. Trong không khí làm việc tất bật, người lao động vẫn toát lên niềm phấn khởi vì có công ăn việc làm, có thu nhập dịp cuối năm.

MỸ HẠNH