“An toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn.” Đó là khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh về việc tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Theo đó, lãnh đạo ngành nhấn mạnh lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn, từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa rồi tới du lịch quốc tế. Đặc biệt, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Tái khởi động từng bước
Thời điểm này, khi COVID-19 cùng những biến thể mới đã thiết lập một “trật tự thế giới mới” thì lãnh đạo các bộ, ngành đều xác định việc đảm bảo an toàn trong điều kiện sống chung với dịch bệnh sẽ giúp tái khởi động mọi hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch.
Song để làm được điều này, các địa phương phải được đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sớm có bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về chứng nhận vaccine.
Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các sở quản lý du lịch 25 tỉnh, thành phố vào hôm qua (5-10), các sở quản lý du lịch cho biết tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Có những tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... trong khi nhiều tỉnh, thành phố độ bao phủ vaccine vẫn còn thấp.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất ngay sau khi Phú Quốc thí điểm thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine. (Ảnh minh họa: CTV-Vietnam+)
Đại diện các sở quản lý du lịch địa phương cũng đề xuất cần xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine, có chứng nhận tiêm chủng) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vaccine) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất, gây ách tắc giao thông, du lịch giữa các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hộ chiếu vaccine cũng cần có quy định cụ thể để chuẩn bị lộ trình khách du lịch quốc tế.
Về việc thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa cho biết thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong tháng 10, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát và thẩm định các cơ sở dịch vụ ở Phú Quốc để chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế trong tháng 11.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh đề xuất ngay sau khi Phú Quốc thí điểm thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine, kỳ vọng vào cuối năm 2021.
Hiện Khánh Hòa đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ thí điểm, bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, những địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, khu vực nghỉ dưỡng khép kín, riêng biệt như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định… cũng đề xuất được đón khách du lịch quốc tế.
Cần tạo bước đệm “vùng xanh”
Sau bốn đợt dịch bùng phát, đặc biệt là đợt dịch thứ tư đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng chung tình trạng khủng hoảng của du lịch toàn cầu, nền kinh tế xanh Việt Nam đã thực sự chạm “đỉnh đáy.”
Cần tạo bước đệm "vùng xanh" để khởi động lại du lịch nội địa. (Ảnh minh họa: CTV-Vietnam+)
Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử du lịch Việt với các chỉ số tăng trưởng sụt giảm lớn so với cùng kỳ các năm trước. Số lượng khách du lịch nội địa 9 tháng năm 2021 ước đạt 31,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136 tỷ đồng (giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020). Công suất phòng trung bình cả nước 9 tháng vừa qua chỉ đạt dưới 10%.
Trong khi đó, công cuộc chống dịch được xác định là phức tạp và có thể còn kéo dài. Do đó, để thu hút du khách, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng phải liên kết được các điểm đến xanh giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo được sản phẩm du lịch vừa hấp dẫn, vừa an toàn.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh các địa phương cần khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh,” tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình.
Theo Thứ trưởng Việt, đây chính là bước đệm chuẩn bị cho những bước đi dài hơi hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh cho phép.
Lãnh đạo ngành du lịch nhấn mạnh trong thời gian chờ đợi có thể “mở toang” bầu trời quốc tế, các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác xúc tiến quảng bá, sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch bằng việc đa dạng các tiện ích, trải nghiệm cho du khách, đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn…
Tuy nhiên, trên lộ trình dần “mở cửa” này làm thế nào để di chuyển, kết nối thông suốt giữa các vùng xanh liên tỉnh vẫn là bài toán cần sớm có lời giải đáp thống nhất đối với các doanh nghiệp lữ hành cũng như cơ quan quản lý và csc địa phương.
Theo MAI MAI (Vietnam+)