Lão nông bán đất lấy tiền làm từ thiện

09/06/2021 - 04:34

 - Đó chính là ông Nguyễn Văn Liêm, người dân địa phương hay gọi với cái tên thân mật ông Năm Liêm (ngụ ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông là điển hình của người miền Tây chân chất, thật thà và hào sảng. Với suy nghĩ muốn đóng góp sức mình cho quê hương, giúp người dân đi lại thuận tiện, ông Năm Liêm sẵn lòng bán một phần đất của mình để bù vào phần kinh phí đang thiếu của công trình làm đường ở địa phương.

Từ hồi còn trẻ, ông Năm Liêm đã chăm lo làm lụng, gầy dựng được của cải. Sau này, ngoài phần chia cho con cái yên bề gia thất, ông cũng chừa một phần cho riêng mình. Tuổi đã lớn, phần đất ruộng ông Liêm cho thuê, số tiền thu được hàng năm, ngoài chi phí sinh hoạt cá nhân, phần lớn còn lại ông dành hết cho công tác xã hội - từ thiện, xây cầu, làm đường ở quê hương. Tổ xây cầu, cất nhà, làm đường của xã Hội An ra đời bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm ông Năm Liêm tham gia với vai trò nòng cốt, nhiệt tình nhất. Ngoài góp công sức để làm, ông Năm Liêm còn là một trong những nhà hảo tâm “mạnh” của tổ.

Ông Năm Liêm không ngại bán luôn một phần đất để góp phần hoàn thiện công trình làm đường ở địa phương

Theo ông Liêm, mỗi mét đường, ngang 3,5m, dài 1m cần chi phí 600.000 đồng, đó là tiền vật tư đá, cát để hoàn công, không tính tiền công vì mọi người đều thành tâm góp sức làm từ thiện. Trước khi làm đoạn đường nào, tổ cùng với Ban Nhân dân ấp đến tận nhà những hộ dân trên địa bàn tham khảo ý kiến, trình bày kinh phí để làm đường.

“Đường làm ngang nhà nên bà con ủng hộ, tuy nhiên có nhiều hộ khó khăn phải “chạy ăn” từng ngày, không có dư dả mà đóng góp. Bởi vậy, mình phải tính toán phương án cụ thể để bù vô khoản thiếu hụt này, mà chủ yếu là anh em trong tổ bàn bạc hùn lại để làm đường cho bà con đi lại thuận tiện, thoải mái” - ông Năm Liêm chia sẻ.

 Thời gian trước, đoạn đường nối liền ấp Hòa Bình (xã Hội An) với ấp An Khánh (xã An Thạnh Trung) đã được Tổ xây cầu, cất nhà, làm đường xã Hội An hoàn thiện, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân ở địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Minh (thành viên Tổ xây cầu, cất nhà, làm đường xã Hội An), đoạn này dài khoảng 5km, kinh phí lớn nên chia nhiều giai đoạn mới hoàn thiện được. Trong đó, có khoảng 2km có nhiều hộ khó khăn, bên cạnh một số hộ đóng góp kinh phí nhưng còn thiếu khoảng 90 triệu đồng, thấy vậy các thành viên trong tổ hùn tiền, góp sức cùng bà con hoàn thành công trình.

“Sau khi bàn bạc, ông Năm Liêm với ông Năm Kha quyết định chia đôi, mỗi người 45 triệu đồng, hùn vô hoàn thành tuyến đường, giúp bà con đi lại thuận tiện. Từ đó đến giờ, đoạn nào thiếu tiền là ông Năm Liêm và Năm Kha xuất tiền túi góp sức cùng bà con mà không tính toán gì cả, lúc nào cũng vui vẻ làm” - ông Minh giải thích.

Họ đều là những người nông dân tay lấm, chân bùn, không giàu có, khá giả hơn ai nhưng có tấm lòng đối với cộng đồng. Đi làm đường, làm cầu hay cất nhà không có công việc nào là nhẹ nhàng cả, vậy mà những lão nông đã ngoài 60, 70 tuổi vẫn nhiệt tình, vui vẻ thực hiện như làm chính cho gia đình mình. Ông Năm Liêm chia sẻ: “Cực lắm, nhưng khi làm là vui, hôm nào không đi làm lại thấy buồn bực trong bụng mà thêm không khỏe nữa. Gia đình đã chu toàn, nên thời gian bây giờ, chúng tôi góp sức cho xã hội để có cái gì đó để lại cho đời, cho con cháu sau này làm động lực mà phấn đấu, nối tiếp”.

Phó Bí thư Xã đoàn Hội An Bùi Ngọc Thủy (huyện Chợ Mới) thường xuyên tham gia nhiều công trình xã hội hóa làm cầu, đường ở địa phương. Có điều kiện tiếp xúc với những chú, bác trong Tổ xây cầu, cất nhà, làm đường từ thiện xã Hội An càng làm cho Thủy hãnh diện, quyết tâm đóng góp sức mình xây dựng quê hương. “Nhìn bác Năm Liêm hay những chú, bác dù lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài tham gia công việc từ thiện, có ý nghĩa tại địa phương, càng làm cho những người trẻ như em cảm thấy mình thật hạnh phúc và là tấm gương sáng để tôi noi theo.

Dù tuổi đã cao, nhưng khi làm, bác Năm Liêm không nề hà việc nặng, việc nhẹ. Chắc do lòng mấy bác, mấy chú thanh thản nên dù công việc nặng, mọi người làm cũng nhẹ tênh, trên mặt không hề xuất hiện sự mệt mỏi, toàn là nụ cười. Bởi vì, khi những công trình hoàn thành, đường sá được mở rộng, bê-tông hóa các tuyến đường nông thôn, đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, đó là niềm vui chung của quê hương, có sự đóng góp của các chú, các bác” - Thủy chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN