Lễ hóa vàng ngày Tết - nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt

13/02/2024 - 10:17

Lễ cúng hóa vàng là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết của các gia đình Việt, mang ý nghĩa tiễn đưa các cụ về cõi âm, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn Tổ tiên luôn che chở, phù hộ cho con cháu.

Lễ cúng hóa vàng là nghi thức quan trọng trong ngày Tết của người Việt để tiễn đưa Tổ tiên. (Nguồn: Vietnam+)

 

Theo phong tục của người Việt Nam từ thời xa xưa, vào ngày 30 Tết, các gia đình sẽ cúng tất niên để đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và chuẩn bị đón chào Năm mới.

Trong lễ cúng tất niên, gia chủ sẽ khấn mời hương linh tổ tiên, ông bà và những người thân đã qua đời về ăn Tết với con cháu. Quan niệm dân gian tin rằng mặc dù các bậc tiền nhân đã mất nhưng linh hồn của họ vẫn luôn che chở, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.

Tết Nguyên đán, Tổ tiên, ông bà cũng về quây quần bên con cháu nên trong những ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên luôn ấm cúng nhang đèn với đầy đủ các lễ vật. Hằng ngày, con cháu đều làm mâm cơm chu đáo dâng cúng Tổ tiên.

Cứ thế cho đến ngày mùng 3 Tết hoặc mùng 7 Tết khai hạ, khi tiệc Xuân đã mãn, con cháu lại sửa soạn cáo lễ để tiễn đưa Tổ tiên trở về âm cảnh. Nghi thức này được gọi là lễ hóa vàng nhằm dâng cúng lộ phí và vật dụng để Tổ tiên, ông bà trở về cõi xa.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình. (Nguồn: BNews/TTXVN)

Thực hiện nghi thức cúng hóa vàng phải có lễ tạ gia tiên, gia thần, chư vị thánh thần và Đức Phật. Người xưa quan niệm có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám.

Để làm lễ hóa vàng, bên cạnh các đồ lễ bày trên ban thờ trong 3 ngày Tết (mâm ngũ quả, bánh kẹo…) gia chủ sẽ chuẩn bị thêm quần áo giấy, lễ tiền, vàng mã của gia thần và tổ tiên, đèn nến, trầu cau, rượu; một bình hoa tươi nhiều màu sắc tượng trưng cho một Năm mới sung túc; 2 cây mía (để các cụ làm gậy đi đường hoặc gánh các đồ cúng theo quan niệm xưa) và một mâm cỗ cúng.

Bởi ngày hóa vàng vô cùng quan trọng với người Việt nên mâm cơm cúng cũng rất đầy đủ như mâm cỗ chính của ngày Tết.

Tùy vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ cúng hóa vàng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa thịt gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán, bánh chưng, dưa hành...

Nhiều gia chủ cầu kỳ sẽ chế biến thêm món cá chép nấu bỗng. Bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Việc cúng cá chép vào đầu năm sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho gia chủ.

Sau khi bày biện mâm cúng, chủ nhà thắp hương và thành kính khấn bài khấn của lễ hóa vàng. Đợi đến khi hương tàn, gia chủ chắp tay vái ba vái xin phép ông bà mang vàng mã đi hóa, sau đó tiến hành hạ lễ của gia thần trước rồi mới hạ lễ của Tổ tiên.

Khi hóa vàng sẽ hóa phần tiền vàng trước, các vật dụng như quần áo, mũ nón, giày… sẽ hóa sau. Nếu trong gia đình có người mới mất thì phần vàng mã này phải được hóa sau cùng.

Lễ hóa vàng nhằm dâng cúng lộ phí và vật dụng để Tổ tiên, ông bà trở về cõi xa. (Ảnh: Nhật Anh-TTXVN)

Trong lúc hóa, cần khéo léo để vàng mã cháy hết nhưng không được dùng que gẩy làm rách. Khi phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy lên chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận được các lễ vật.

Một số nhà cẩn thận sẽ mang hai cây mía lễ hơ lên phần tiền vàng vừa được hóa xong, ngụ ý gửi cây gậy hoặc làm đòn gánh cho các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm.

Hóa xong vàng mã, con cháu tề tựu đông đủ, quây quần bêm mâm cỗ vừa hạ, cùng nhau thụ lộc, dùng bữa thân mật, kết thúc những ngày Tết vui vẻ đầm ấm để trở lại nếp sinh hoạt thường nhật với những hy vọng tốt lành cho Năm mới.

Có thể nói phong tục thờ cúng và đưa rước Tổ tiên trong ngày Tết là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” đề cao chữ hiếu, tri ân nguồn cội.

Từ bao đời nay, nét văn hóa đó đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, thắt chặt mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, là sợi dây kết nối các thế hệ và trở thành một tín ngưỡng dân tộc./.

Theo VIETNAM+