Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang

04/12/2020 - 09:19

Lễ hội truyền thống nhảy lửa (cầu lửa) là của người Pà Thẻn thường được tổ chức hàng năm lúc giao thời năm cũ và năm mới, vào dịp thu hoạch vụ mùa khoảng tháng 10-11 âm lịch đến ngày rằm tháng giêng.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang. (Ảnh: Vietnam+)

Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ,” hội nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ.” Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Lễ hội truyền thống nhảy lửa (cầu lửa) là của người Pà Thẻn tại xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, thường được tổ chức hàng năm lúc giao thời năm cũ và năm mới, vào dịp thu hoạch vụ mùa khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch đến ngày rằm tháng giêng. Đây là một lễ hội độc đáo, đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí.

Theo số liệu thống kê, dân số của người Pà Thẻn chỉ còn khoảng 3.700 người, sinh sống tập trung ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tuy số lượng ít, lại sống ở những vùng hẻo lánh nhưng văn hóa của người Pà Thẻn vẫn được duy trì, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa.

Lễ hội chính thức được bắt đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, rồi thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi.

Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó.

Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc.

Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là một nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng có thêm sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng, việc tổ chức nhảy lửa là nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại.

Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

Theo HÀO NGUYỄN (Vietnamplus)