Suối Giàng là nơi hội tụ của quần thể với hơn 4 vạn cây chè Shan tuyết, được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản trà Shan tuyết đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật khai mạc gồm 3 chương: Chương 1 "Về miền Shan tuyết” giới thiệu miền quê Văn Chấn thuở sơ khai. Chương 2 "Hương vị giữa ngàn mây” với các màn múa, ca khúc đặc tả về chè Shan tuyết, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trà trên quê hương Văn Chấn. Chương 3 "Tinh hoa và hội nhập” với các ca khúc ca ngợi vùng đất miền Tây, trình diễn khèn Mông và vòng xòe đoàn kết của các dân tộc...
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Văn Chấn phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm 100 ảnh nghệ thuật về các vùng chè Shan tuyết của các xã Suối Giàng, Sùng Đô; các hoạt động thưởng thức sản phẩm từ trà; đời sống của đồng bào dân tộc gắn với sự phát triển cây chè Shan tuyết; đất và người Văn Chấn… Cùng với đó, dự kiến có khoảng 100 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương.
Ngoài ra, tại Sân vận động trung tâm huyện, nhiều hoạt động được tổ chức như: Lễ hội tôn vinh cây chè tổ; tổ chức văn nghệ, trình diễn văn hóa dân tộc H’Mông; Hội thi hái chè, thi chế biến thủ công chè Shan tuyết…
Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm trà Shan tuyết Văn Chấn đến với bạn bè trong và ngoài nước. Sự kiện nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư chế biến sâu các sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trà Văn Chấn nói chung và trà Shan tuyết nói riêng...
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Lễ hội Trà Shan tuyết "Tinh hoa giữa ngàn mây" là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Văn Chấn tới du khách; đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích, đặc biệt là phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông, Dao... gắn với cây chè. Sự kiện nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và các sản phẩm của địa phương đến bạn bè, du khách trong, ngoài nước gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi hội tụ của quần thể hơn 40.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm; được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Hiện nay, vùng trồng chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích gần 400 ha. Trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp. Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam…
Theo TTXVN