Người dân Israel tuần hành phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ tại Tel Aviv, ngày 27/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Histadrut, ông Arnon Bar-David nêu rõ: “Cuộc đình công mà tôi đã thông báo từ sáng hôm nay sẽ chấm dứt”. Ông cũng đánh giá cao động thái của Thủ tướng Netanyahu trong việc đề nghị liên đoàn này hỗ trợ để kế hoạch cải cách đảm bảo lợi ích của tất cả các thành phần xã hội.
Hoạt động biểu tình leo thang kể từ đầu năm nay khi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đề ra kế hoạch cải cách tư pháp mới, bao gồm dự luật trao cho chính phủ quyền quyết định bầu thẩm phán và dự luật hạn chế thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc bãi bỏ các luật.
Nhà lãnh đạo Israel từng cho rằng cải cách tư pháp là điều cần thiết nhằm khôi phục lại sự cân bằng giữa các nhánh trong chính phủ. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của người dân, làm bùng phát các cuộc biểu tình với quy mô và tính chất nghiêm trọng chưa từng có trên khắp Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, quyết định của Thủ tướng Netanyahu hoãn kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi đã nhận được phản ứng tích cực từ nội bộ cũng như cộng đồng quốc tế.
Ngày 27/3, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre nêu rõ Mỹ hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Netanyahu, cho rằng động thái trên giúp tạo thêm thời gian và không gian để các bên tại Israel có thể thỏa hiệp với nhau. Bà cũng đồng thời cảnh báo việc thay đổi các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ cần nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Trước đó, Mỹ nhiều lần bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về kế hoạch cải cách tư pháp của Israel, nhất là sau các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc trong vài tuần qua, kêu gọi lãnh đạo Israel sớm đạt được đồng thuận.
Một đồng minh khác của Israel là Anh cũng hoan nghênh việc nước này hoãn kế hoạch cải cách tư pháp. Ngoại trưởng Anh James Cleverly nêu rõ: “Điều quan trọng là duy trì việc chia sẻ các giá trị dân chủ vốn là nền tảng cho mối quan hệ giữa Anh và Israel, cũng như việc bảo vệ một hệ thống giám sát và cân bằng quyền lực”.
Theo TTXVN