Liên thông “một cửa” quốc gia

17/12/2019 - 08:02

 - Với việc đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân không còn bị giới hạn địa lý khi thực hiện thủ tục hành chính, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, vừa dễ dàng theo dõi tiến độ hồ sơ của mình. Đây được xem là bước ngoặt cho tiến trình thực hiện Chính phủ điện tử.

Nhiều tiện ích

Anh Đặng Sơn Bình quê ở xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang) nhưng hiện sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 của anh trước đây do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh An Giang cấp, nay đã bị hư hỏng một phần. “Tháng trước, tôi liên hệ Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh để cấp lại GPLX nhưng nơi đây bảo hồ sơ gốc của tôi ở Sở GTVT tỉnh An Giang nên phải về tỉnh xin cấp đổi, do công việc nên tôi chưa sắp xếp về được. Mới đây, nghe thông tin khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, tôi liên hệ Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh để nộp hồ sơ thì họ tiếp nhận. Tôi được cấp 1 tài khoản cá nhân để theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình. Tài khoản này được sử dụng để kiểm tra tất cả các hồ sơ khác sau này của cá nhân tôi. Bản thân tôi thấy tiện ích này rất hay, đỡ tốn thời gian đi về tỉnh, lại tiện theo dõi, kiểm tra khi cần” - anh Bình thích thú.

Việc đổi GPLX như trường hợp của anh Bình là một trong những dịch vụ được cung cấp trước mắt sau khi khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 9-12 vừa qua. Theo đó, thay vì phải trực tiếp lại Sở GTVT của tỉnh, thành phố, nơi cấp GPLX để đổi thì công dân dù ở nơi nào trên toàn quốc cũng có thể nộp hồ sơ được. Khi hệ thống tiếp nhận liên thông, Sở GTVT ở nơi cấp GPLX sẽ tự trích lục hồ sơ gốc để cấp đổi, chuyển GPLX mới về địa chỉ yêu cầu của công dân. Cùng với đổi GPLX, có thêm 4 dịch vụ công khác thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là: thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Đối với cấp bộ, có 4 dịch vụ công được thực hiện là: cấp GPLX quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. “Trong quý I-2020, chúng tôi tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phí vi phạm giao thông đường bộ” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.

Khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia

Phục vụ ngày càng tốt hơn

Khi Cổng Dịch vụ công quốc gia vận hành, chỉ cần truy cập 1 địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng 1 tài khoản duy nhất là người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp còn được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, có thể tái sử dụng thông tin đã có mà không cần cung cấp lại, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Theo tính toán chi phí xã hội, chỉ với 8 nhóm dịch vụ cung cấp ban đầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện nay, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia đang cung cấp sẽ tiết kiệm được 2.854 tỷ đồng/năm. “Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Cổng Dịch vụ công quốc gia ra đời là bước ngoặt trong xây dựng Chính phủ điện tử, vừa góp phần tạo tiện ích, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, vừa ngăn chặn hiệu quả vấn nạn tiêu cực, tham nhũng vặt. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không để tâm lý hoặc tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng Dịch vụ công quốc gia rồi lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình. “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ 8 dịch vụ công được kết nối ban đầu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần sớm cung cấp các dịch vụ công ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng. “Đây là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

NGÔ CHUẨN