Phụ huynh vẫn rất trăn trở về sách giáo khoa đầu năm học mới. Ảnh: TTXVN
Nỗi lo thiếu sách
Chị Nguyễn Thị Minh Tân, phố Kim Ngưu, Hà Nội cho biết: “Năm nay con tôi bước vào lớp 11 nên vẫn phải đợi danh sách mua sách giáo khoa của nhà trường”.
Tại nhà sách ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một số phụ huynh tìm sách theo chương trình hiện hành (Chương trình 2000). Bên cạnh đó, với những bộ sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, phụ huynh vẫn còn lo lắng về giá cả.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, sách giáo khoa bộ mới được công bố có giá cao hơn so với sách giáo khoa của chương trình hiện hành trung bình 2 đến 3 lần.
Theo ông Trần Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 theo chương trình hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thành in và nhập kho với sản lượng 24,7 triệu bản (100% kế hoạch), đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên. Còn với sách giáo khoa lớp 10 và lớp 11, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.
"Lường trước thực tế này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện (về vật tư, về nhà in…) để triển khai in cuốn chiếu ngay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời", ông Trần Văn Tùng cho biết.
Đến thời điểm này, đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình hiện hành) đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch tương ứng 24,7 triệu bản; Sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 (theo Chương trình 2018) đã hoàn thành in và nhập kho 96% kế hoạch tương ứng 79,5 triệu bản; Sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 đã hoàn thành in và nhập kho 56% kế hoạch tương ứng 28,9 triệu bản.
Trên thực tế, có hiện tượng các đại lí, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ hạn chế nhập sách giáo khoa lớp 10, lớp 11 hoặc không nhập đủ các sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Do đó, xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số tên sách cụ thể.
Để giải quyết tình huống này, ông Trần Văn Tùng cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các công ty phát hành sách tại địa phương tăng cường hệ thống bán lẻ, bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại… để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện bày bán đầy đủ sách giáo khoa, tăng thêm thời gian bán hàng để tạo điều kiện tốt hơn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể tìm mua sách giáo khoa tại các thành phố lớn. Các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh có thể đến mua sách tại các địa chỉ thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ông Trần Văn Tùng khẳng định: "Sách giáo khoa các lớp đã được bán tại cửa hàng bán lẻ của các đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đối tác phát hành tại địa phương trên toàn quốc. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đảm bảo sẽ cung ứng đủ số lượng đặt hàng sách giáo khoa các lớp trước ngày 15/8/2023 và sẽ cung ứng số lượng phát sinh (nếu có) trước ngày khai giảng năm học mới. Bên cạnh việc đăng ký mua sách tại trường học, học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể đến các cửa hàng thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các Công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, các đại lý phát hành sách giáo khoa trên toàn quốc để mua sách trực tiếp hoặc trên kênh bán sách trực tuyến của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam".
Khắc phục tình trạng thiếu sách ở địa phương
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: "Khó khăn lớn nhất là các địa phương chậm có quyết định lựa chọn và đăng kí số lượng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 để Nhà xuất bản triển khai in đảm bảo cung ứng đủ sách phục vụ năm học 2023 - 2024 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)".
Được biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định; đăng ký nhu cầu sách giáo khoa lớp 4, 8 ,11 của địa phương trước ngày 15/7/2023, tạo điều kiện cho các Nhà xuất bản nhanh chóng cung ứng đủ sách giáo khoa phục vụ năm học 2023 - 2024.
Phụ huynh và học sinh có thắc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa có thể gọi đến đường dây nóng (0344181018) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để được hỗ trợ. Đường dây nóng được duy trì từ 8 - 22 giờ hàng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tùng cho biết, đến ngày 18/7/2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới nhận được đăng kí số lượng sử dụng sách giáo khoa của 13/63 tỉnh, thành phố.
Trước thực tế này, để sớm có sách giáo khoa phục vụ phát hành, ông Trần Văn Tùng cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm bắt thông tin từ các địa phương để xây dựng kế hoạch dự kiến nhằm tổ chức in sớm, đồng thời liên tục cập nhật thông tin để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng nhu cầu của địa phương. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch in dự kiến là 51,41 triệu bản và tổ chức mua sắm dịch vụ in rộng rãi (đấu thầu rộng rãi) theo quy định của pháp luật, kết hợp với các phương thức in khác để huy động tối đa năng lực của các nhà in trong cả nước nhằm có đủ sách phục vụ học sinh trước khai giảng năm học mới.
"Hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng các nhà in đẩy nhanh tiến độ, tổ chức cho công nhân làm tăng ca, thêm giờ để nỗ lực đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai các giải pháp bổ sung nhằm đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ sách giáo khoa trước khai giảng năm học mới như: Bám sát tiến độ in nhập kho từng ngày, cử cán bộ bám trụ tại nhà in để giám sát, đẩy nhanh tiến độ in nhập kho; Ưu tiên in sách giáo khoa trước, sách bài tập, sách giáo viên sau; in sách tập 1 trước, sách tập 2 sau", ông Trần Văn Tùng nói.
Để khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa, ông Trần Văn Tùng nêu: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai một số giải pháp như: Chỉ đạo các công ty phát hành bám sát, cập nhật sát với nhu cầu của các địa phương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch; Chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam các miền tổ chức in gấp, nhập nhanh đối với những kế hoạch phát sinh; Chỉ đạo các công ty đầu mối điều chuyển sách, cung ứng gấp để giải quyết sớm nhất các điểm nóng (nếu có) bằng mọi phương thức, kể cả vận chuyện bằng đường hàng không; Tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi tìm mua sách giáo khoa và các vấn đề có liên quan. Tuỳ theo diễn biến thực tế thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ điều chỉnh và bổ sung những giải pháp phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa trước khai giảng năm học mới.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, ông Trần Văn Tùng cho biết: "Đối với sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 bắt đầu được triển khai từ năm học 2023 - 2024: Năm 2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục thực hiện tiết giảm các chi phí để giảm giá bán sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 thấp hơn từ 4% - 6% so với sách giáo khoa lớp 3, 7, 10, trên cơ sở so sánh đơn giá bình quân một trang sách. Các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có mức giá thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt. Đối với sách giáo khoa các lớp tái bản (gồm lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình 2018 và lớp 5, 9, 12 theo Chương trình 2000), giá sách vẫn giữ ổn định như các năm trước".
Theo TTXVN