Là đô thị loại I, TP. Long Xuyên nằm bên hữu ngạn sông Hậu, có vị trí và vai trò quan trọng ở khu vực ĐBSCL. Không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, của tỉnh An Giang, đây còn là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.
Bất cứ người dân khi vào trung tâm thành phố, hình ảnh quen thuộc đầu tiên là “vòng xoay đèn bốn ngọn” (hay gọi tắt là “đèn bốn ngọn”). Đây là một trụ đèn nằm ngay trung tâm nội ô, tạo thành vòng xoay, kết nối điểm giao giữa đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Hà Hoàng Hổ.
Muốn hỏi đường, chỉ đường, cứ định vị “đèn bốn ngọn” là được. Đèn bốn ngọn trở thành biểu tượng riêng và một phần không thể thiếu của TP. Long Xuyên. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, đèn bị hỏng nhiều, buộc phải thay thế bằng một thiết kế khác, hiện đại hơn. Dẫu vậy, thiết kế mới vẫn mang hơi hướng “đèn bốn ngọn” truyền thống.
Cách đèn bốn ngọn không xa, cầu Hoàng Diệu mang một dấu ấn kiến trúc xưa nằm trên trục Quốc lộ 91. Cầu Hoàng Diệu xưa là cầu gỗ; năm 1892 được thay thế bằng cầu sắt mang tên Henry; năm 1938, được đúc bằng bê tông; đến năm 1950, đổi tên là cầu Hoàng Diệu. Tháng 9/2000, một cây cầu mới được xây cặp với cầu Hoàng Diệu cũ, biến cầu này trở thành cầu đôi...
Nếu tính từ thời điểm xây dựng cầu bê tông vào năm 1938, thì đến nay, cây cầu Hoàng Diệu cũ đã 85 tuổi. Cầu nối liền 2 phường trung tâm Mỹ Long và Mỹ Bình của TP. Long Xuyên.
Cũng trên trục Quốc lộ 91, Nguyễn Trung Trực (cầu Quay) nằm ở gần bờ sông Hậu, nối thẳng đường Long Xuyên - Châu Đốc, cũng là một công trình kiến trúc độc đáo.
Năm 1897, để thay chiếc cầu gỗ, cầu Levis (còn gọi là cầu Máy, cầu Quay) được khởi công xây dựng, đến năm 1899 thì hoàn thành. Mỗi ngày 3 lần, vào giờ giấc quy định, 2 nhịp thép được nhấc lên để tàu bè xuôi ngược.
Năm 1985, cầu Quay được khởi công xây dựng lại bằng bê- tông, đến năm 1987 thì được đưa vào sử dụng.
Ngoài những công trình kiến trúc, nét văn hóa tôn giáo xưa vẫn tồn tại trên địa bàn TP. Long Xuyên trong thời kỳ Pháp thuộc chính là Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên (đường Bùi Văn Danh). Nhà thờ được xây dựng năm 1903, với thiết kế khá đơn giản, mang dáng dấp phong cách kiến trúc hiện đại (Romance).
Tuy nhiên, do nhà thờ nhỏ, đến năm 1958, Cha sở Piô Nguyễn Hữu Mỹ đã khởi công xây cất nhằm mở rộng khuôn viên nhà thờ (gọi là Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên mới), tọa lạc đường Nguyễn Huệ, đứng quay mặt về công viên.
Sau hơn nửa thế kỷ, công trình vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Điểm nhấn của công trình này là tháp chuông cao 55m có thánh giá trên đầu, hình khối dày dặn vươn thẳng, đường nét đơn giản, tạo nên một kiến trúc hiện đại, chắc khỏe.
Bên cạnh đó, nhiều địa điểm tham quan cũng mang đậm nét cổ xưa, lãng mạn, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi đến với thành phố. Trong đó không thể không nhắc đến hồ Nguyễn Du. Hồ bắt nguồn từ một phần nhỏ của dòng sông Hậu hiền hòa và được hình thành vào những năm 1920, là địa danh nổi tiếng của thành phố.
Nơi đây thu hút mọi người đến nghỉ chân, ngắm cảnh sông sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hiện giời, hộ nằm trong khu công viên Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, chiều dài 350m, rộng 50m, cùng diện tích mặt nước khoảng 1.750m2, độ sâu hơn 10m.
Có thể nói, hòa vào dòng chảy lịch sử, những công trình kiến trúc xưa đang tồn tại ở TP. Long Xuyên giờ trở thành nét chấm phá độc đáo, kết nối quá khứ và hiện tại, phương Tây và phương Đông tô thêm vẻ đẹp của một thành phố tràn đầy sức trẻ.
NGUYỄN HƯNG