Các lớp học dạy chữ Khmer duy trì thường niên, khởi động sau khi học sinh kết thúc năm học phổ thông và tổ chức ở hầu hết các chùa Phật giáo Nam tông thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chùa Prey Veng, khóm 4, xã Tri Tôn có 5 lớp dạy chữ Khmer. Sư cả Chau Chhonl - trụ trì chùa Prey Veng cho biết: “Các lớp học dạy chữ Khmer không chỉ giúp các em làm quen với ngôn ngữ Khmer mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau khi hoàn thành khóa học, các em được trao giấy chứng nhận, đồng thời có hình thức khen thưởng để khích lệ tinh thần học tập. Đặc biệt, chùa còn có một lớp luyện thi chứng nhận trình độ tiểu học tiếng Khmer, Pali”.
Thầy Chau Sóc Thi là một trong số tình nguyện viên dạy chữ Khmer tham gia dạy các lớp học với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer. Ngoài ra, chùa còn 8 giáo viên gồm các vị sư và tình nguyện viên tâm huyết với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Trung bình mỗi lớp có 24 học viên, độ tuổi từ tiểu học đến trung học cơ sở. Các lớp học được tổ chức vào buổi chiều. Đến chùa, các em học chữ, học đạo đức làm người và kiến thức gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lớp học chữ Khmer tại chùa Prey Veng xã Tri Tôn
Tại chùa Kal Pô Prưk, xã Óc Eo, mỗi năm có 200 thanh thiếu nhi đến học, trong đó có các em người dân tộc Kinh sống gần chùa. Hoạt động dạy chữ Khmer dịp hè được duy trì tại chùa 20 năm. Theo phó trụ trì chùa Kal Pô Prưk Thạch Phong, khi các lớp học được tổ chức, chùa nhận được sự ủng hộ của nhà hảo tâm, tổ chức xã hội để tiếp thêm nguồn lực về học phẩm, nhu yếu phẩm, khen thưởng cho các em học tốt. Trong bối cảnh giao thoa văn hóa, việc giữ gìn bản sắc của dân tộc được coi trọng, khơi dậy cho các em niềm tự hào về cội nguồn, nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của đồng bào.
Các lớp học trong dịp hè năm nay nhận sự hưởng ứng nhiệt tình từ phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, một số ngôi chùa còn gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy. Giáo viên tự nguyện dạy miễn phí, tuy nhiên chùa mong có nguồn lực hỗ trợ để khích lệ tinh thần cho giáo viên. “Chúng tôi mong nhận hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân để có thể cải thiện cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ sách giáo khoa và đảm bảo điều kiện làm việc cho giáo viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi cố gắng mang đến cho các em môi trường học tập tốt nhất”, sư cả Chau Chhonl nói.
Em Néang Kha Ly, ngụ xã Tri Tôn chia sẻ: “Từ khi được tham gia lớp học chữ Khmer, mỗi ngày đến lớp em luôn hạnh phúc và háo hức. Những buổi lên lớp, ngoài được học cách đọc, viết chữ Khmer, em còn được tìm hiểu thêm về văn hóa, truyền thống của dân tộc”. Ban đầu, Kha Ly ngại việc học chữ Khmer gặp khó khăn vì chữ viết có nhiều ký tự đặc biệt. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của giáo viên, đến nay em biết đọc, biết viết, có thể viết được những đoạn văn ngắn. Bên cạnh đó, em hiểu thêm về lịch sử, phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống của đồng bào.
Nối tiếp qua các năm, trở thành những lớp học quen thuộc dịp hè, mỗi ngày, đều đặn 2 buổi, thậm chí 3 buổi, khuôn viên các ngôi chùa Phật giáo Nam tông trở thành lớp học với bàn, ghế, tấm bảng nhỏ đơn sơ… Để học sinh dễ tiếp thu, một số bài giảng được giáo viên soạn thành các bản nhạc có vần điệu. Hình thức giảng dạy đa dạng, phong phú, xen kẽ với giờ học trên lớp là giờ sinh hoạt vui chơi. Nhờ những lớp học này, các em biết đọc, viết chữ Khmer.
Các chùa là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, trong đó việc gìn giữ tiếng nói và chữ viết của dân tộc trong các chùa dịp hè là một trong những việc làm ý nghĩa đối với con em đồng bào Khmer. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH