Lớp học xóa mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

27/10/2023 - 05:52

 - Cần cù, vượt khó và kiên nhẫn… là những điều chúng tôi thấy được ở những “học sinh” lớn tuổi trong lớp học xóa mù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Ở đây, có người đã lên chức ông, bà, nhưng tinh thần ham học để biết đọc, biết viết rất đáng trân trọng.

Buổi học chiều kết thúc, những học sinh cuối cùng lần lượt ra về. Cánh cổng trường vẫn giữ nguyên hiện trạng để chờ tốp “học sinh” đặc biệt cho buổi học tối sắp diễn ra. Đó là lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Tranh thủ xong việc nhà, các học viên đến lớp rất đúng giờ. Một cách cẩn thận, họ lôi từ trong những chiếc túi, giỏ nhựa nào sách, viết, tập… và kiểm tra lẫn nhau xem đã đem đầy đủ chưa, luyện viết chữ đến trang nào…

Khi giáo viên ghi những con chữ đầu tiên lên bảng, cũng là lúc tiếng đọc bài râm ran dưới lớp nối tiếp nhau. Không cần đợi nhắc nhở, tinh thần học tập của mọi người rất chăm chỉ, nghiêm túc. “Lớn tuổi rồi, học xong liền quên ngay, nên phải đọc đi đọc lại”. Đó là câu giãi bày chung của các học viên.

Một số phụ huynh có con và cháu nhỏ, vì ở nhà không có ai trông giúp nên phải đưa luôn các bé đến lớp.

Bên ngoài, lác đác vẫn còn học viên đến muộn. Giáo viên cho biết, trừ những lý do cấp thiết như chuyện gia đình, còn lại dù bận rộn thế nào hay những ngày trời mưa bão… từ lúc mở lớp học (tháng 8) đến nay, chưa có ai vắng hoặc bỏ lớp.

Trân quý tinh thần nỗ lực đi “tìm chữ” của bà con, giáo viên đứng lớp đem hết sự tận tình để chỉ dạy, dù có người đã trải qua 2 buổi dạy ban ngày trên lớp chính khóa cho học sinh tiểu học.

Việc tiếp xúc, ứng xử với những “học sinh” đặc biệt này cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn. Giáo viên gọi chung họ là “quý anh, chị”. Xen kẽ trong quá trình học, các thầy, cô giáo ân cần và kiên nhẫn để người học tiếp thu, ghi nhớ, nhất là tạo không khí vui nhộn để ai cũng được thoải mái và mạnh dạn.

Khích lệ cho mỗi lượt đọc đúng là tràng pháo tay của cả lớp. Từng chữ cái, thanh dấu có thể chưa chuẩn, nhưng sự động viên tích cực của tập thể đã giúp mỗi người thêm cố gắng, không e ngại, sau mỗi buổi học lại có một bước tiến tích cực.

Lớp học xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer diễn ra các ngày 2 – 4 – 6 trong tuần, là nội dung trong Tiểu dự án 1 của Dự án 5, thuộc Chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện Tri Tôn có 8 xã, thị trấn ở lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tham gia.

MỸ HẠNH