Lúa chết vì nước thải hầm cá nhiễm mặn?

13/04/2020 - 06:56

 - Báo An Giang nhận được đơn của 13 hộ nông dân ngụ ấp Hòa Bình 1 (xã Hòa Lạc, Phú Tân) phản ánh nguồn nước bị nhiễm mặn làm lúa chết hàng loạt.

Các hộ dân cho biết, nhiều năm nay, diện tích lúa nếp của họ sản xuất ổn định, cho năng suất cao. Thế nhưng, từ vụ đông xuân 2019, lúa bị chết dần do ảnh hưởng từ nguồn nước thải của các chủ hầm chăn nuôi cá (sử dụng nguồn nước giếng bị nhiễm mặn, thải ra mương nước phục vụ nông nghiệp). Nhiều lần bà con khiếu nại, phản ánh đến UBND xã Hòa Lạc, nhưng chưa được giải quyết. Họ khiếu nại về huyện. Sau đó, ngành chuyên môn của huyện, tỉnh đến kiểm tra thực tế, khẳng định khiếu nại của họ có cơ sở.

“Nông dân chúng tôi chỉ sản xuất lúa, là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình, có hộ phải thuê đất sản xuất. Nhưng giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế, lúa mất năng suất và thiệt hại nặng nề đến cuộc sống của chúng tôi. Vừa qua, ngành nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cùng với UBND xã Hòa Lạc đã có buổi làm việc với chúng tôi, những hộ chăn nuôi cá này. Các hộ nuôi cá cam kết khắc phục trong vòng 1 tuần (đến hết ngày 22-3-2020).

Tuy nhiên, hiện nay họ vẫn chưa thực hiện. Thậm chí, họ vẫn xả thải cả ngày lẫn đêm. Đất bị nhiễm mặn, không chỉ thiệt hại cho vụ lúa này, mà những vụ tới chúng tôi không biết phải rửa mặn ra sao. Bà con chúng tôi tha thiết yêu cầu các cấp chính quyền quan tâm giải quyết xử lý nghiêm hành vi khai thác nước ngầm, xả thải nước nhiễm mặn ra môi trường ảnh hưởng diện tích lúa xung quanh; buộc các chủ hầm cá phải bồi thường thiệt hại vụ lúa đông xuân này cho bà con chúng tôi, chi phí ước tính khoảng 2,4 triệu đồng/công.

Đồng thời nhanh chóng khắc phục cho đất không còn bị ô nhiễm mặn, để tránh vụ sản xuất sau không bị ảnh hưởng” - các hộ dân trình bày. Theo đó, họ cho rằng 4 hộ nuôi cá xả thải gây ô nhiễm môi trường: ông Nguyễn Văn S., Lê Thanh T., Trần Tiến V. và Trần Minh P.

Trong biên bản làm việc tại địa phương ngày 16-3, hộ ông Nguyễn Văn S. khẳng định: “Từ khi được UBND xã cùng phòng chuyên môn huyện công bổ kết quả phân tích mẫu nước bị nhiễm mặn, tôi đã dừng sử dụng nước giếng, thay thế bằng nước sông”.

Ông Lê Thanh T. cho rằng, ông chỉ bơm nước vào ao cá, không xả thải ra môi trường nên không làm ảnh hưởng đến các hộ trồng lúa. Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Hòa Lạc cho biết, xã Hòa Lạc có rất nhiều hộ nuôi cá (nàng hai, cá tra, cá lóc) nhưng vừa qua có 2 hộ dân (ông Trần Tiến V. và Trần Minh P.) nuôi cá xả thải gây ảnh hưởng các hộ trồng lúa.

Sau khi bà con khiếu nại vụ việc này đến huyện, UBND huyện Phú Tân chỉ đạo Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND xã Hòa Lạc, mời 13 hộ dân đứng đơn cùng hộ ông V. và ông P. làm việc.

Qua buổi làm việc, đã có quy định buộc 2 hộ này phải đặt đường ống lấy nước ngọt từ ngoài sông lớn vào sử dụng; trám lắp các giếng khoan. Hiện nay, 2 hộ này đang sử dụng nước giếng, trong khi nước giếng bị ảnh hưởng nhiễm mặn (Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đã đo đac4, phân tích và có kết luận), khi xả nước thải ra gây ảnh hưởng lúa của bà con nông dân.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện (đường ống đặt dài khoảng 500- 600m), 2 hộ nuôi cá làm chậm thời gian hơn so với quy định, gặp phải trục trặc về điện, đơn vị thi công. Quan điểm của địa phương là kiên quyết yêu cầu 2 hộ này phải lấy nước ngọt từ sông vào sử dụng, không làm ảnh hưởng đến diện tích lúa của người dân xung quanh.

Tính tới thời điểm này, 1 hộ đã thực hiện cơ bản xong, có thể chạy nước ngọt vào được, hộ còn lại vẫn đang trong thời gian thực hiện. Song song đó, địa phương cùng các ngành chuyên môn đã khảo sát thực tế diện tích lúa của bà con có ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 100 công tầm điền.

Hiện nay, các hộ dân đang làm thủ tục khởi kiện vụ việc ra tòa án, để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bài, ảnh: K.N