Lừa đảo làm nhiệm vụ online

24/01/2024 - 05:03

 - Thời gian qua, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy do thiếu cảnh giác, chủ quan.

Tham gia ứng dụng kiếm tiền, thực hiện nhiệm vụ, đóng tiền làm nhiệm vụ, khi số tiền lớn thì mất tiền; lừa đảo làm việc tại nhà “việc nhẹ, lương cao”, “làm việc linh động thời gian”, như: Mua sản phẩm về làm tại nhà, gửi cọc để nhận sản phẩm, sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân... là những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng sử dụng công nghệ cao “giăng bẫy” những người nhẹ dạ, cả tin.

Lợi dụng thời điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra những lời chào mời và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà. Đánh vào tâm lý muốn kiếm thêm nguồn thu nhập, trang trải sắm sửa Tết, nếu mất cảnh giác thì rất dễ trở thành “con mồi” của những chiêu trò lừa đảo này.

Nổi lên thời gian gần đây là chiêu trò lừa đảo làm nhiệm vụ online, nhanh chóng nhận tiền thật. Theo đó, người chơi được “dụ ngọt” để góp tiền thực hiện đơn hàng online và lấy hoa hồng một cách nhanh chóng, dễ dàng. Sau 1 - 2 lần đầu tham gia với số tiền nạp vào ít, người dùng nhận được tiền lời và bắt đầu tin tưởng thực hiện những nhiệm vụ ở cấp cao hơn, với số tiền nạp lớn để nhận lời nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi số tiền nạp ngày càng nhiều, người tham gia sẽ không rút được tiền về tài khoản. Lúc này, các đối tượng yêu cầu người tham gia nộp thêm tiền vào thì mới rút được tiền về tài khoản, nhưng càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền. Đây là cái bẫy nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân một cách dễ dàng.

Điển hình như trường hợp anh P.T.L. (35 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị lừa mất số tiền gần 200 triệu đồng chỉ trong 1 tuần. Theo anh L., anh được một người bạn giới thiệu tham gia app (ứng dụng) làm nhiệm vụ online, nhận hoa hồng cao. Dù đã rất cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo qua mạng đã được thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhưng anh L. không ngờ mình đang dần bị sập bẫy.

“Tôi được tạo một tài khoản nạp tiền làm nhiệm vụ phân phối đơn hàng trong ngày, mỗi đơn hàng được lãi từ vài USD đến hàng chục, thậm chí hàng trăm USD trở lên. Khi hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, tôi sẽ được cộng tất cả tiền lãi vào tài khoản đã tạo. Tài khoản ảo ấy được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của tôi, chỉ cần thực hiện lệnh rút tiền trên app, nhanh chóng tiền sẽ chuyển vào tài khoản của tôi” - anh L. cho biết.

Lần đầu tiên, anh L. nạp 100 USD, làm nhiệm vụ xong, anh lời vài chục USD. Thấy có lời, anh L. nạp lên 200 USD, sau khi hoàn thành nhiệm vụ phân phối đơn hàng online, anh L. rút được tiền lời (quy ra tiền Việt Nam đồng) hơn 500.000 đồng. Cuốn theo lợi nhuận hời ấy, anh L. bắt đầu nạp số tiền lớn 500 USD, 1.000 USD rồi lên hơn 8.000 USD lúc nào không hay.

Đến nhiệm vụ cuối cùng, chỉ cần phân phối xong, anh L. sẽ rút được cả gốc lẫn lãi hơn 8.600 USD. Thế nhưng, app thông báo số tiền anh L. đang có không đủ phân phối đơn hàng. Anh cần nạp thêm trên 6.000 USD mới làm xong nhiệm vụ. Lúc này, anh vẫn cố tìm cách xoay xở để nạp thêm làm nhiệm vụ, nhưng khi bạn bè biết sự tình, khuyên ngăn, anh L. mới bàng hoàng nhận ra mình bị cuốn vào chiêu lừa đảo tinh vi lúc nào không hay, tiền thật bỗng hóa thành ảo.

“Tôi dự định, khi phân phối xong đơn hàng cuối này sẽ rút hết tiền ra, mua cho con trai chiếc xe đạp điện, sắm sửa Tết… vậy mà giờ lại không còn gì, phải vay mượn bạn bè để trả nợ. Mấy ngày qua, có tài khoản lạ trên Facebook liên lạc hỏi tôi có muốn lấy lại số tiền đang làm nhiệm vụ không. Biết rằng mình đã “dính bẫy” lừa đảo nên tôi không liên hệ lại” - anh L. buồn rầu chia sẻ.

Thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo qua mạng rất cũ, lặp đi, lặp lại nhiều lần. Các đối tượng đa phần “đánh” vào những người đang hụt hẫng về tâm lý, thiếu tỉnh táo và có phần hám lợi nên dễ bị lừa. Để phòng tránh, lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền. Trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều cảnh báo về loại tội phạm này. Mọi người cần tìm hiểu và cảnh giác.

Cụ thể, khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội, cần kiểm tra lại thật kỹ; không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Đặc biệt, cảnh giác với những hứa hẹn tặng “quà khủng” từ những người chỉ biết qua “nickname” trên mạng, hoặc mời nhận hàng, nộp phí qua điện thoại nhưng lại yêu cầu giữ bí mật, không cho người thân biết. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.

PHƯƠNG LAN