Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sắp có hiệu lực

16/12/2019 - 07:51

 - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nhằm giảm thiểu những tác hại của rượu, bia tác động đến đời sống cộng đồng. Để chấp hành luật nghiêm minh, nhiều người dân đã nhanh chóng tìm hiểu những quy định cụ thể và có sự điều chỉnh hành vi, thói quen phù hợp với quy định của pháp luật.

Một số bạn trẻ thừa nhận rằng, thói quen không tốt mà nhiều người và ngay cả bản thân họ mắc phải là thường xuyên sử dụng rượu, bia trong các buổi gặp mặt ăn uống, vui chơi cuối tuần, các chuyến du lịch, lễ, Tết trong năm. Mặc dù họ luôn ý thức được tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông, uống rượu, bia quá đà gây mất kiểm soát hành vi nhưng vì còn cả nể nhau nên cứ uống và lâu dần thành thói quen khó bỏ. Nay với việc giảm thiểu rượu, bia được quy định thành luật, một số bạn trẻ đã có sự điều chỉnh. Một người bạn (xin được giấu tên) cho rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi những bữa tiệc rượu, bia tốn kém sang ăn uống, vui chơi bình thường để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mỗi cá nhân khi rời khỏi cuộc vui. Nếu khi nào muốn dùng chút rượu, bia hãy chắc chắn rằng mình sẽ không điều khiển phương tiện tham gia giao thông để không gây hại cho bản thân và những người xung quanh”.

Chú Lương Hòa Bình (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) rất tán thành với Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, bởi bản thân chú rất bức xúc với tình trạng người dân, nhất là thanh, thiếu niên nhân các dịp đám tiệc tổ chức ăn nhậu xuyên suốt từ sáng đến tối, không những vậy còn ca hát với bộ loa công suất lớn gây phiền hà cho hàng xóm; khi mâu thuẫn thì sẵn sàng đâm chém nhau, gây nhiều hệ lụy đau lòng. Điều chú mong muốn là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, người dân sẽ ý thức hơn trong sử dụng rượu, bia, vui chơi ít thôi nhưng đừng quá đà, để trong những bản tin truyền hình sau Tết sẽ không còn bàng hoàng khi nghe những con số thương vong do tai nạn giao thông sau khi sử dụng rượu, bia hoặc ngộ độc do dùng rượu, bia liên tục.

Giảm rượu, bia ở đám tiệc để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho bản thân, xã hội

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, mỗi người dân nên tự tìm hiểu và nắm chắc những quy định cơ bản để chấp hành. Cụ thể, luật gồm 7 chương, 36 điều. Trong đó, Điều 5 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

 Đó còn là nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia…

Tích cực chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, mỗi cá nhân nên trở thành người tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; chia sẻ kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia; phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Các cấp, ngành, địa phương cần lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng. Đồng thời, vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư…

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích