Trong nghiên cứu mới, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, nhóm tác giả dẫn đầu bởi PGS Natalya Gomez từ Đại học MicGill cho biết việc lục địa Nam Cực nổi lên là do nó bị nhẹ đi và mất băng.
Có thể tưởng tượng lục địa này như một miếng bọt biển, trước đây bị một khối đá đè cho chìm bớt xuống. Khi trọng lượng đè nén giảm dần, nó nổi lên.
Theo các tác giả, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng trong tình hình ngày nay.
Việc nổi lên của Nam Cực là một quá trình gọi là "sự nâng lên sau băng hà", có thể là con dao hai lưỡi.
Các cơ chế hoạt động tự nhiên của Trái Đất thật ra có thể cân bằng điều này, biến nó thành một sự kiện tốt, nhưng chỉ khi con người không phá hoại.
Nếu lượng khí thải giảm nhanh, hạn chế sự nóng lên toàn cầu, thì sự nâng lên sau thời kỳ băng hà có thể hoạt động như một phanh tự nhiên đối với sự mất mát khối lượng băng.
Quá trình này sẽ tự nâng băng lên, làm chậm dòng chảy của băng từ đất liền ra đại dương, giúp giảm tới 40% sự đóng góp của Nam Cực vào quá trình dâng lên của mực nước biển.
Ngược lại, nếu con người tiếp tục thải ra khí nhà kính làm hành tinh nóng lên, sự phục hồi tự nhiên không đủ để "khóa" quá trình tan băng mà thay vào đó sẽ đẩy nhiều nước biển ra xa Nam Cực hơn.
Điều này có nghĩa nước biển sẽ dâng càng nhanh và nhấn chìm các khu vực đông dân cư của con người.
Với mô hình mới có tính toán đến sự nổi lên của Nam Cực, nếu mức độ ấm lên được chúng ta giữ ở mức thấp, mực nước biển dâng sẽ dân khoảng 1,7 m vào năm 2500.
Nhưng con số này sẽ tăng lên tới 19,5 m nếu tình trạng nóng lên toàn cầu diễn ra với tốc độ hiện tại.
"Với gần 700 triệu người sống ở các vùng ven biển và thiệt hại tiềm tàng do mực nước biển dâng lên tới hàng ngàn tỉ đô la vào cuối thế kỷ này thì việc hiểu được hiệu ứng domino của tình trạng băng tan ở Nam Cực là vô cùng quan trọng" - các tác giả nghiên cứu cảnh báo.
Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh nguy cơ gây ra một thảm họa toàn cầu thảm khốc nếu con người không kìm hãm được tốc độ nóng lên của hành tinh bởi chính nền văn minh của mình.