Lưu giữ chút hồn quê

05/02/2020 - 07:30

 - Với những người từ miền Trung, miền Bắc vào Nam sinh sống và làm việc, họ thích nghi rất nhanh. Vượt qua mọi khó khăn để mưu sinh trên quê hương thứ 2, hầu như ai cũng chọn gắn bó hẳn cuộc đời mình, nhưng vẫn giữ gìn những truyền thống đặc trưng của quê hương với tâm nguyện giữ chút cội nguồn cho con cháu được biết.

Quây quần nấu bánh chưng - món ăn đặc trưng không thể thiếu của người miền Bắc.

Tết này, chị Vũ Thị Lợi (quê Thanh Hóa) đã làm dâu 18 năm ở miền Nam. Chị Lợi cho biết, ngày trước anh chị và đồng hương rất đông, mỗi người một nơi, sinh sống tứ tán ở Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, riêng chị đã yên bề gia thất, gắn với nghề làm nông ở cù lao Phú Tân. Nhiều năm hội đồng hương họp mặt rất ấm cúng, về sau do công việc làm ăn, một số người trở về quê nên các cuộc gặp thưa hẳn, nhờ công nghệ phát triển, nay còn gặp nhau trên… mạng xã hội.

Điều vui nhất là sau bao năm làm lụng chăm chỉ, kinh tế ai nấy đều khấm khá, nhà cửa khang trang. Những năm đầu khi mới vào miền Nam sinh sống, mỗi dịp Tết đến ai cũng nhắc chuyện ở quê, mong ngóng được về dù biết là không thể. Con cháu trong gia đình nhờ lớp người lớn tuổi giữ gìn mà cảm nhận được phần nào "mùi" Tết quê nhà. Đặc trưng không thể thiếu là nấu nồi nước mùi già (ngò rí) vào ngày 29, 30 Tết để xua đi những tiêu cực, xui xẻo và đón chào một năm mới thơm tho, sạch sẽ hơn. Các bà, các mẹ đi chợ lo chu đáo đầy đủ các loại thực phẩm, lương thực để từ chiều 30 Tết đến hết mùng không phải ra chợ nữa, kể cả trái cà, trái ớt cũng không được thiếu. Buổi tối lại có nồi chè nấu từ đậu, mật mía, là món ăn đầu tiên khi bước sang năm mới.

Bận rộn cả năm, xuân miền Nam là những chuyến đi cùng gia đình du lịch, giải tỏa mệt mỏi, còn những người như chị Lợi thì chăm chút từng nét xuân trong nhà. Chị Lợi tâm sự: “Bánh chưng, giò, thịt kho, dưa hành… là các món nhất thiết phải có. Buổi sáng, cả gia đình quây quần ăn bữa cơm ấm cúng, con cháu chúc ông bà sức khỏe rồi lần lượt đến thăm họ hàng. Niềm vui Tết thì Bắc - Nam cũng là một, mình cố giữ lại cho con cháu hiểu biết những đặc trưng của quê nhà, bởi ai cũng có cội nguồn, có trước, có sau…”. Sự khác biệt về Tết đối với chị Lợi là các món ăn, nếu miền Nam nhà lúc nào cũng sẵn bánh kẹo thì miền Bắc luôn túc trực thịt, rau. Món thịt kho cũng khác hẳn công thức “kho tàu” ở đây gồm thịt heo và trứng. Năm nào chị cũng chọn thịt ngan (vịt xiêm) loại ngon, nấm mèo, sườn heo nấu nồi thịt đông đúng nghĩa để cả nhà ăn kèm dưa cải, củ hành. Nhiều món được làm và bảo quản đến rằm tháng Giêng còn tươi nguyên đem ra dùng.

Tại TP. Long Xuyên, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 địa phương có hội đồng hương nhiều nhất. Anh Nguyễn Bá Đại (nhà tại phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết, truyền thống thường niên hội đồng hương Nghệ An họp mùng 4, còn Hà Tĩnh họp mùng 6, mỗi hội có trên trăm người, bên nào anh cũng tham gia. Anh Đại sống tại An Giang hơn 20 năm, đang làm việc ở Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, vài năm mới có điều kiện về quê đón Tết. Những ngày cuối năm, dù bận rộn thế nào, mọi người vẫn sắp xếp hội tụ về nhà 1 thành viên, cùng nhau gói bánh chưng, làm chả giò, sửa soạn các món ăn để họp mặt. Các công việc nhẹ được ưu tiên cho phụ nữ, còn đàn ông đảm nhận gói và nấu bánh cũng như làm các món ăn đặc trưng. Có người đã sống hơn 30 năm ở An Giang, để tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu từ quê, họ trồng lá dong đem bán. Việc tái hiện những hương vị Tết đặc thù quê nhà không khó, chỉ thiếu cành đào, không khí se lạnh của đất Bắc, do chi phí đắt đỏ, vài năm mới được sống trong cảm giác ấy 1 lần. Theo anh Đại, không chỉ là nơi gắn kết, gặp gỡ trong dịp Tết, có hội đồng hương, những người cùng quê thêm gắn bó với nhau, tương trợ, chia sẻ trong những lúc khó khăn, hỷ sự, đau ốm…

Anh Nguyễn Văn Tính (nhà ở phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cùng quê tại Hà Tĩnh, làm việc tại An Giang 18 năm ở Công ty Điện lực An Giang chia sẻ: “Có hội đồng hương rất ý nghĩa, anh em cùng quê được gần gũi nhau, là nơi gắn kết người cùng chung tiếng nói vùng miền, truyền thống. Một năm được vài ngày Tết tụ họp bên nhau, cùng nấu nồi bánh chưng, ăn uống và chuyện trò, chia sẻ về công việc, cuộc sống và động viên nhau để làm việc được tốt hơn”. Đối với anh Tính thì Tết ở đâu cũng vui, có thêm chậu mai vàng, chậu quất nhà cửa càng ấm cúng. Việc giữ lại chút truyền thống vừa là thói quen, vừa là điều cần thiết để thế hệ nào cũng nắm được phong tục quê nhà.

Thời gian trôi đi, vị Tết Bắc trong lòng xuân miền Nam cũng khác, không lẻ loi, khắc khoải nhớ quê mà là Tết giao lưu, hòa mình, chia sẻ.

MỸ HẠNH