Gia đình bà Huệ gắn bó với nghề đan đát
Làng quê gắn liền với dòng sông uốn lượn quanh co, cây cối, tre trúc đua nhau mọc thành bụi lớn. Từ xưa, người dân sớm tận dụng nguồn nguyên liệu trong tự nhiên, làm ra nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày, trong sản xuất nông nghiệp. Từ cây lát, cây tre, cây trúc đều có thể làm được nhiều vật dụng, như: Chiếu, thúng, xề, cần xé, rổ... Ban đầu, người dân chỉ làm vài vật dụng từ tre, trúc phục vụ sinh hoạt gia đình. Theo thời gian, các sản phẩm trở nên phổ biến, họ làm ra nhiều hơn để bán, từ đó các làng nghề thủ công ra đời.
78 tuổi, nhiều năm gắn bó với nghề đan đát truyền thống ở xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), bà Huỳnh Thị Kim Huệ cho biết, nơi đây, công việc đan đát gắn bó với nhiều thế hệ gia đình trong xóm. Người trước truyền cho người sau, người sau truyền cho người sau nữa, nên việc đan đát cứ nối tiếp mấy chục năm. Khoảng tháng 6 - 7 (âm lịch), khi con nước tràn đồng, cũng là thời điểm nhu cầu người sử dụng rổ nhiều nhất trong năm.
“Tôi biết đan rổ từ khi theo chồng về đây sinh sống. Để làm ra cái rổ đẹp, người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn, như: Tạo hình, đát mê, lộng vành, nứt vành... Người thạo việc làm cả ngày khoảng 4 - 5 bộ rổ (1 bộ 3 cái). Được khoảng 100 bộ là vựa đến thu mua, giá từ 22.000 - 30.000 đồng/bộ. Thu nhập của người đan đát không nhiều. Nhưng có lẽ vì tình yêu với nghề, với từng sản phẩm mình làm ra, nên tôi mong muốn người tiêu dùng đón nhận sản phẩm truyền thống, để nghề được gìn giữ và phát triển” - bà Huệ trải lòng.
Bà Nguyễn Thúy Hằng cũng làm nghề đan đát, nhưng số lượng làm ra không nhiều, phải lấy thêm từ các hộ xung quanh để bán. Khi đồ nhựa chưa phổ biến, hầu hết gian bếp của mỗi gia đình đều có ít nhất vài cái rổ. Nhiều người mua rổ lớn dùng trong nhà bếp, rổ nhỏ đựng kim chỉ may và các vật dụng khác. Tùy theo nguyên liệu, mẫu mã đến kích cỡ, mỗi sản phẩm có giá khác nhau, từ 15.000 đến trên 100.000 đồng. Rổ đan từ nan ruột tuy trắng đẹp, nhưng dễ bị hư hỏng khi gặp nước, còn đan từ nan cật (phần vỏ tre) sẽ có độ bền cao, chắc chắn hơn. Thu nhập bình quân trên 200.000 đồng/ngày, đủ để bà trang trải cuộc sống.
Gần 30 năm chứng kiến thăng trầm của làng nghề đan đát truyền thống ở xã Long Giang (huyện Chợ Mới), ông Bùi Thanh Liêm (ngụ ấp Long Mỹ 2) cho biết: “Nơi đây, hiện còn nhiều vựa thu mua lớn, sản phẩm tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL và xuất sang thị trường Campuchia. Để bắt nhịp xu thế phát triển, người thợ lành nghề cho ra thêm nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã, kích thước, đáp ứng nhu cầu trang trí nhà cửa, quán ăn, nhà hàng, nhiều mục đích sử dụng của người tiêu dùng”.
Những năm nghề đan đát còn thịnh, gia đình ông giao một lần trên 1.000 cái rổ và thúng, nhận về thu nhập khá thời điểm đó. Vài năm trở lại đây, lớn tuổi, thu mua của gia đình giảm lại, ông trồng thêm 7 công mít, chuối, thay thế nguồn thu từ nghề truyền thống.
Có lẽ, sự ra đời và phát triển của các mặt hàng nhựa đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Cái rổ tre ít dần, ngày càng hiếm hoi trong gian bếp của mỗi gia đình. Nhưng xu hướng xã hội ngày càng quan tâm đến tiêu dùng thân thiện với môi trường, các sản phẩm truyền thống làm từ thiên nhiên vẫn có cơ hội duy trì, cải tiến để phát triển. Bên cạnh nhiều mặt hàng khác, rổ tre vẫn luôn có chỗ đứng riêng cho mình, mang nét bình dị của quê hương, không gì thay thế được.
NGUYỄN XÊ