Ngày trước, những người làm nghề bốc xếp ở khu vực chợ Mỹ Long và Long Xuyên hoạt động tự do. Một số người đứng ra lập thành “nhóm” không tên để phân công nhau làm việc. Các “nhóm” này hoạt động chưa bài bản, thiếu sự hài hòa trong quyền lợi các thành viên dẫn đến thưa gửi thường xuyên. Năm 1992, Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên thành lập ra Nghiệp đoàn, bố trí sắp xếp người đứng đầu, đưa các hoạt động vào khuôn phép. Trước đây, hàng hóa nhiều, dân theo nghề cửu vạn chiếm hơn 300 người, hiện nay đã giảm quá nửa. Mặt khác, do đã đi vào tổ chức, có nội quy hẳn hoi nên những ai không thích ứng đều tự “dạt” đi nơi khác. Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp Trương Thanh Tùng chia sẻ: “Tình trạng phe nhóm không còn, anh em sống đùm bọc. Tuy hiện nay thu nhập và hàng hóa giảm hơn trước nhưng lao động làm việc được san sẻ đều “nồi cơm” cho nhau, tạo nên mối đoàn kết trong Nghiệp đoàn khá tốt”.
Từ khi đi vào tổ chức, cán bộ của Nghiệp đoàn được đi tập huấn kiến thức pháp luật, cách hoạt động, sau đó tập hợp anh em thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, tham gia hoạt động phong trào của địa phương. Điều ông Tùng tâm đắc nhất là sau những chuyển biến tích cực trong Nghiệp đoàn, lãnh đạo các nhiệm kỳ của Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên thương anh em hơn, ưu tiên những phần quà, sự hỗ trợ cho Nghiệp đoàn khi có điều kiện. Thu nhập bình quân của 1 lao động hiện nay (ca 12 = 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều) là 200.000 đồng, làm thêm đến 6 giờ sáng hôm sau có thể kiếm thêm gấp rưỡi, gấp đôi. Anh em đều được học tập pháp luật đầy đủ, Nghiệp đoàn sắp xếp chia số lượng hợp lý theo nhóm. Nghiệp đoàn có quy chế hoạt động, nếu ai không chấp hành thì mời lên làm việc, do đó những buổi tuyên truyền, học tập thành viên đến dự rất sớm và đông đủ.
Một góc làm việc của đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp phường Mỹ Long.
Công việc nặng nhọc, đời sống của nhiều người còn khó khăn, nhưng ý thức đã được nâng lên tích cực. Thấy được điều đó, ông Tùng cũng như những thành viên, luôn tìm cách để chăm lo và san sẻ với anh em trong Nghiệp đoàn. Những người dày dặn kinh nghiệm khuyên lớp trẻ hơn chăm chỉ làm việc, lo cho gia đình, lo con cái học tập. Hàng năm, ngoài các suất quà của Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên, Nghiệp đoàn còn tự lo phần quà cho anh em bằng cách tích lũy sau 1 ca làm sẽ trích lại 1.000 đồng “bỏ ống”, đủ giá trị phần quà 500.000 đồng thì ngưng. Năm nào cũng vậy, đến thời điểm này là quà Tết của mọi người đã tươm tất sẵn sàng với nhu yếu phẩm cần thiết và gạo, thịt, hột vịt… Hơn 200 người gắn bó, thương nhau như một nhà. Ngoài công việc bốc xếp tại chợ đầu mối, tất cả thành viên còn kiếm thêm việc ở ngoài để rủ nhau làm.
Nhờ chí thú làm việc, lo cho gia đình, nhiều thành viên trong Nghiệp đoàn có cuộc sống khá, con cái học hành tới nơi tới chốn. Hiện nay có 6 gia đình nuôi con vào đại học, trong đó gia đình ông Nguyễn Thanh Dân nuôi lần lượt 2 con học đại học, con gái lớn đã ra trường và làm việc tại phường Mỹ Phước. Từ đầu năm học, sau khi lo chu toàn cho số con em của đoàn viên học phổ thông, hàng quý Nghiệp đoàn cho đoàn viên vay tiền trả dần để lo những trường hợp học đại học. Nghiệp đoàn còn được quan tâm hỗ trợ quỹ Mái ấm Công đoàn để cất mới, sửa chữa nhà cho 15 thành viên ổn định cuộc sống. Số người còn lại thấy vậy cũng lo làm ăn hơn, tích cực phấn đấu.
Tham gia học tập pháp luật rất nghiêm túc và đông đủ.
Bên cạnh công việc chính, nhiều năm nay Nghiệp đoàn bốc xếp phường Mỹ Long còn tham gia những công việc của địa phương, như: thành lập Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; phòng cháy, chữa cháy; hiến máu nhân đạo; chấp hành an toàn giao thông; kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; đóng góp đầy đủ các nguồn quỹ theo vận động, quỹ Mái ấm Công đoàn… Ngoài những thành tích của tập thể được khen thưởng, nhiều cá nhân trong Nghiệp đoàn còn là điển hình trong dân vận khéo, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy…
MỸ HẠNH