Măng Mạnh Tông trên núi cao

10/09/2022 - 08:52

 - Thiên nhiên kỳ diệu ban cho Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) giống tre đặc biệt. Đó là tre Mạnh Tông. Loại tre to, khỏe này lại sản sinh ra những búp măng trắng trẻo, ngọt ngào, cực kỳ hợp khẩu vị khách xa gần.

Núi Cấm có độ dốc ít, nền đất pha cát ở lớp mặt giàu chất dinh dưỡng, khí hậu ôn hoà quanh năm. Nhờ vậy, loại cây nào sinh trưởng ở đây cũng đều tươi tốt. Nông sản thì mang hương vị đặc sệt núi rừng, chẳng nơi nào có được. Tre Mạnh Tông là một ví dụ điển hình, khi mọc dày đặc, phủ đều ngọn núi.

Tháng 5 âm lịch, núi Cấm được bao phủ trong màn mưa. Thời điểm ấy, măng Mạnh Tông bắt đầu “thức giấc”, sinh sôi vô số kể. Mưa càng nhiều, măng càng tốt. Chúng nặng vài ký trở lên, chắc tay người cầm.

Măng dựa vào mưa mà lớn, còn người dựa vào măng mà sống. Giống như bao cư dân xứ núi này, ông Lâm Văn Bồi (42 tuổi, ngụ khu vực Ô Tứk Sa) sở hữu mấy trăm gốc tre của cha mẹ truyền lại. Rộ mùa, sáng nào vợ chồng ông cũng thức sớm, đi xắn từng mụt măng còn đọng sương.

Sau 2-3 năm, cây tre bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi cho ra cả trăm ký măng mỗi năm. Cơm, áo, gạo, tiền của gia đình đều trông mong vào từng mụt măng thế này.

Từ khi mưa rớt hạt đến khi nắng ráo hoảnh ngọn núi, suốt mấy tháng trời, ông Bồi xắn được vài trăm ký măng, thậm chí cả tấn. Ngoài việc đem xuống núi bán cho chủ vựa, ông còn sẵn sàng bán lẻ cho khách du lịch. Hiện giờ, măng bắt đầu vào giữa vụ, năng suất ít dần, giá cũng “phập phù”, thu nhập được bao nhiêu thì ông Bồi mừng bấy nhiêu.

Măng tràn vào tầm mắt khách du lịch, gợi nên cảm giác thèm ăn. Người dân xách dao, đi xắn chừng vài phút, đem măng vào lột vỏ, chuẩn bị chế biến. Nếu mua tại vườn thế này, mỗi ký măng chỉ 5.000 đồng. Thậm chí, chủ vườn hào phóng tặng khách phương xa, đổi lại bằng tình cảm chân chất giữa đôi bên.

Tầm 9-10 giờ, măng bắt đầu “đổ bộ” xuống chân núi, yên vị trong các vựa. Theo chị Liên, một chủ vựa, lúc cao điểm, mỗi ngày chị thu mua từ 5-7 tấn măng. Hiện giờ, chỉ khoảng 1-2 tấn/ngày mà thôi. Mặt hàng này tiêu thụ mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL.

Chị khẳng định, xứ này không bao giờ thiếu măng. Măng có quanh năm, nhưng nếu rơi vào mùa nắng thì số lượng giảm. Người dân vẫn siêng đi “mót” măng, được mớ nào sẽ chở xuống mớ đó.

Tại vựa, đến lượt nhân công tất bật lột vỏ, sơ chế thành măng chua. Cách làm măng chua đơn giản lắm: Bào mỏng, ngâm muối cho xèo lại, rồi ủ trong từng lu, khạp. Nhiều chỗ chuẩn bị hàng chục lu lớn, để dành bán lai rai lúc măng ít. Khi nào bán thì đem măng đi xả mặn, vô bọc rồi vận chuyển đường xa. Sau đó, măng Mạnh Tông sẽ trở thành món ăn ngon, với đủ cách chế biến, mà cách nào cũng ngon “hết xẩy”!

VẠN LỘC