Chương trình dự kiến tổ chức lúc 14 giờ, nhưng mới xong giờ cơm trưa, gần 300 học sinh Trường Tiểu học Lê Trì đồng phục chỉnh tề, đã rần rần tụ họp về chùa, háo hức chờ đợi.
Điểm nhấn lớn nhất của chương trình là nhóm Help Portrait An Giang tổ chức chụp ảnh chân dung, rửa ảnh tặng cho từng học sinh. Nhóm đã huy động hàng chục nhiếp ảnh gia chuyên lẫn không chuyên tham gia hoạt động này.
“Chụp ảnh cho các bé dân tộc thiểu số Khmer rất khó, vì các bé không hiểu rõ tiếng Việt, nên chúng tôi cố gắng diễn tả bằng động tác, hướng dẫn cách tạo dáng đơn giản mà tự nhiên nhất có thể. Từng nhiếp ảnh gia sẽ tranh thủ “bắt” khoảnh khắc ngay lúc đó” – Diệp Thế Nhân (Nhóm trưởng nhóm Help Portrait An Giang) chia sẻ.
Một cô bé bật khóc không rõ lý do, nhưng khi chúng tôi đưa máy ảnh lên, cô bé liền ngừng khóc, liền hợp tác “tạo dáng” rất đáng yêu.
Khi nhiếp ảnh gia chụp nhóm học sinh tiếp theo, một nhóm khác tất bật chỉnh sửa, rửa ảnh và sắp xếp theo đơn vị lớp học để tránh thất lạc hình ảnh.
Suốt mấy giờ đồng hồ, các em nhỏ được hòa vào không gian vui nhộn, được chơi trò chơi, nhận quà, gặp “chị Hằng”, “chú Cuội”, các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, tự mình trải nghiệm “Trung thu” đầy màu sắc, rộn rã tiếng cười.
Bà Neang Phen (77 tuổi) quay lại cảnh cháu gái Neang Sa Rây Níc (lớp 4) vui chơi. “Ba mẹ nó đi làm ở tỉnh Bình Dương, gửi nó cho tôi giữ từ lúc 6 tháng tuổi đến giờ. Biết con đi chơi Trung thu ở chùa, ba mẹ nó nhờ tôi quay hình rồi gửi tụi nó coi cho đỡ nhớ con” – bà Níc bày tỏ.
Với các bé thiếu nhi dân tộc thiểu số Khmer, “Trung thu” là điều gì đó lạ lẫm. Màu sắc xanh, đỏ của lồng đèn, dẫu đơn sơ đến mấy, vẫn đủ sức hấp dẫn, níu mắt nhìn của trẻ thơ.
Chúng tôi bắt gặp khoảng lặng của cậu bé Si Sek giữa không gian rộn ràng. Chương trình dành cho học sinh tiểu học, trong khi em đã lên lớp 6. Cha mẹ đi làm xa, mỗi năm chỉ về thăm hai anh em Si Sek một vài lần. Bởi thế, Trung thu này, hai anh em dắt nhau đi xem chương trình, với ánh mắt buồn hiu...
Chương trình kết thúc khi nắng chiều sắp tắt, khi bọn trẻ chơi đến mệt nhoài. Ngoài nụ cười còn chưa kịp tắt trên gương mặt, các bé còn được nhận quà Trung thu, nhận học bổng, nhận vật phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và học tập, từ tấm lòng thơm thảo của nhiều nhà hảo tâm.
Rất nhiều đứa trẻ ở địa phương này sống cùng ông bà, để cha mẹ tiện mưu sinh phương xa. Như ông Chau Diên (52 tuổi) đồng hành cùng cháu ngoại suốt chương trình. Ngoài niềm vui của con trẻ, ông còn có niềm vui riêng của chính mình: Lần đầu tiên trong đời, ông được dự “Trung thu”, nhờ “vui ké” với cháu.
Trung thu theo mấy đứa trẻ về phum sóc. Chỉ là chiếc lồng đèn ông sao, là chùm bong bóng tạo hình, là món quà nhỏ “của ít lòng nhiều”, nhưng chất chứa tình yêu thương của người lớn. Dù ở bất kỳ đâu, dù hoàn cảnh gia đình thế nào, các em đều xứng đáng được hưởng mọi điều tốt đẹp nhất của trẻ thơ, được vui vầy ngày Tết của chính mình.
KHÁNH ĐĂNG