Khi những con người sơ khai tiến hóa từ tổ tiên giống vượn và di chuyển từ trên cây xuống mặt đất, họ bắt đầu đi thẳng và rụng lông. Lúc này, cơ thể trần trụi của họ sẽ phải tiếp xúc với các yếu tố tự nhiên như nắng nóng hoặc giá rét, và họ cần thứ gì đó bảo vệ làn da của mình thay cho bộ lông đã biến mất.
Nhưng thời điểm chính xác mà con người bắt đầu mặc quần áo là từ khi nào? Đây là một câu hỏi khó bởi trên thực tế, quần áo không thể tồn tại qua hàng triệu năm như các đồ tạo tác làm từ đá, xương và các vật liệu cứng khác.
Giới khoa học cho biết không một bộ quần áo nào có niên đại hơn 5.000 năm được tìm thấy. Da, gân và sợi thực vật mà tổ tiên chúng ta mặc đều đã mục nát, để lại rất ít dấu vết vật lý trong hồ sơ khảo cổ học
Các nhà khoa học đã phải nỗ lực nghiên cứu từ các hiện vật khảo cổ học như xương động vật, kim khâu, dùi... và họ đã bất ngờ tìm được một số manh mối đáng ngạc nhiên từ loài ký sinh trùng sống trên lông, tóc người: chấy rận.
Chấy đã hút máu động vật linh trưởng để sinh tồn trong suốt hơn 25 triệu năm. Khi con người bắt đầu mặc quần áo, một số con chấy chuyển địa bàn sinh sống sang "lãnh địa" mới này và tiến hóa thành một lọai khác, gọi là rận cơ thể.
Chấy và rận sống ký sinh trên người thực chất là hai quần thể riêng biệt. Chấy chỉ sống trên tóc, còn rận sống trên cơ thể, núp trong quần áo, và hai loại này không xâm phạm “lãnh thổ” của nhau. Bởi vậy, các nhà khoa học tin rằng việc tìm ra thời điểm chúng tách ra có thể cung cấp bằng chứng gián tiếp về thời điểm con người bắt đầu mặc quần áo.
David Reed, Nhà Sinh vật học tại Đại học Florida, Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu những thay đổi đã xảy ra trong lịch sử tiến hóa của chấy, rận có thể liên quan đến tình trạng rụng lông trên cơ thể người sơ khai và ước đoán về thời điểm họ bắt đầu mặc quần áo.”
Các nhà nghiên cứu đã so sánh ADN của chấy trên đầu và rận trên cơ thể người để xác định thời điểm chúng tách ra làm 2 quần thể. Một ước tính gần đây cho thấy rận cơ thể có khả năng đã tách ra từ chấy trên đầu từ khoảng 83.000-170.000 năm trước.
Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính sơ bộ. Rận cơ thể sẽ cần thời gian thích nghi, do đó, quần áo có thể ra đời trước khoảng thời gian này một chút.
Tuy nhiên lại có bằng chứng về việc Hominin - nhóm bao gồm cả người hiện đại và họ hàng cổ xưa của chúng ta đã tuyệt chủng – đã mặc quần áo sớm hơn nhiều.
Theo nghiên cứu được công bố tháng 4/2023 của Ivo Verheijen, một nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Tübingen ở Đức, các dấu vết trên xương gấu được tìm thấy tại điểm khảo cổ học Schöningen ở Đức cho thấy rằng người vượn nhân hình, có thể là Homo heidelbergensis, đã mặc da gấu để giữ ấm từ khoảng 300.000 năm trước.
Ông Verheijen cho biết: “Chúng tôi tìm thấy những vết cắt ở chi trước và chi sau, nơi có rất ít thịt và mỡ, điều này chứng tỏ loài người không giết mổ động vật để lấy thịt hay mỡ.”
Tại các địa điểm hang động có niên đại 800.000 năm tuổi ở Trung Quốc và Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy những công cụ bằng đá giống như dụng cụ cạo da, có thể được sử dụng bởi người Homo erectus và Homo antecessor, để làm mềm da động vật và quấn quanh người làm quần áo.
Người Neanderthal, một giống người xuất hiện ở châu Âu hàng trăm nghìn năm trước khi người Homo sapiens đến, cũng có thể đã may quần áo để chống chọi với mùa Đông lạnh giá.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh xương sườn hươu giống như các công cụ xử lý da hiện đại, được gọi là lissoir, mà người Neanderthal dùng để đánh bóng da.
Shannon McPherron, một nhà khảo cổ học của Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck tại Đức, người đã nghiên cứu các công cụ của người Neanderthal, cho hay: “Các công cụ lissoir là bằng chứng rõ nét của việc xử lý da thú của người Neanderthal cổ xưa. Chúng tương tự như các công cụ xử lý da động vật ngày nay”./.
Những phát hiện về xương người và nhiều công cụ bên trong một hang động ở Đức cho thấy người tinh khôn (Homo sapiens) có thể đã đến Bắc Âu từ cách đây 47.500 năm.