Mất mát và hồi sinh

06/01/2023 - 08:12

 - Chớp mắt, đã 44 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2023). Mất mát và hồi sinh, như một giấc mộng dài, chưa thể nào nguôi ngoai…

Đêm trường 1975

Thảm họa diệt chủng ở Campuchia xuất hiện sau năm 1975, là hiện tượng chưa từng có trong khu vực Đông Nam Á thời hiện đại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thảm họa diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong 4 năm (1941-1945) giết hại khoảng 5 triệu người Do Thái trên tổng số hơn 7 triệu người. Thảm họa diệt chủng của chính quyền người Hutu ở Rwanda trong khoảng 100 ngày năm 1994 giết hại trên 800.000 người Tutsi (chiếm 70% dân số Tutsi). Pol Pot Ieng Sary trong thời gian cầm quyền 3 năm 8 tháng 20 ngày (1975-1979), giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia (tương đương 25% dân số).

Cả đất nước Campuchia từ sau ngày 17/4/1975 đến trước ngày 7/1/1979, chìm trong loạn lạc đẫm máu, khi chính quyền do Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu, xóa bỏ tận gốc mọi cơ sở xã hội. Chúng xây dựng “nhà nước mới”: Không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo - một xã hội nông nghiệp không tưởng với mô hình nhà nước kỳ dị (cưỡng bức nhân dân từ đô thị về nông thôn, dồn dân vào sâu trong nội địa…).

Việt Nam vừa mới thống nhất đất nước, chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại phải chịu thiệt hại rất lớn từ thảm họa diệt chủng và chính sách gây chiến của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Trong đó, tại An Giang - tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống - địch dồn lực lượng lớn, tấn công tàn độc, quyết tâm đánh chiếm, lập thành tỉnh thứ 19 của Campuchia.

Thời điểm ấy, An Giang trở thành nơi bị thiệt hại nặng nề nhất về người và của trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam: 4.158 người chết, 774 người bị thương, mất tích 57 người; 20.004 người dân gốc Khmer bị bắt về Campuchia; 80% dân số ở biên giới phải rời khỏi khu vực chiến đấu, sơ tán về phía sau. Đặc biệt, trong cuộc thảm sát ở Ba Chúc (huyện Tri Tôn), 100 (trong tổng số 2.700 gia đình) đã bị sát hại hoàn toàn, không còn ai.

Về vật chất, gần 45.000 căn nhà bị đốt cháy và bị phá hủy. Hầu hết chùa chiền, thánh thất, nhà thờ, trường học, trạm xá của 14 xã, 1 thị trấn ven biên giới bị chúng phá hủy; 22 xã, thị trấn khác không hoạt động được. Hàng trăm tấn lương thực bị cháy, 112 con trâu, bò bị cướp và bắn chết; 127 máy bơm nước, 58 ghe, xuồng bị cướp đi; hơn 40.000ha đất ruộng bị bỏ hoang (không kể vườn cây ăn trái). Ngoài ra, còn có 36 xã, phường, thị trấn và thị xã bị địch bắn phá bằng mọi hình thức, trong đó 8 xã bị hủy diệt hoàn toàn. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh hy sinh 637 cán bộ, chiến sĩ; bị thương 2.105 người…

“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

Cuộc chiến vệ quốc chỉ thực sự diễn ra sau nhiều nỗ lực ngoại giao không thành của Chính phủ Việt Nam và sự kiềm chế đến mức cao nhất của quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam. Đêm 30/4/1977, quân Pol Pot đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới An Giang (14 xã). Từ tháng 8/1977, chúng tấn công khu vực biên giới tỉnh Long An, Đồng Tháp. Tháng 9/1977, chúng tấn công tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh (3 huyện)…

Chúng vu cáo Việt Nam muốn xóa đất nước Campuchia để lập liên bang. Chúng ra “Sách đen” kích động “hận thù dân tộc”, bôi nhọ sự thật lịch sử và truyền thống láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Campuchia. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát dã man theo lối diệt chủng (thảm sát Ba Chúc từ ngày 18/4 đến 30/4/1978, giết hại 3.157 người). Chúng nhận viện trợ quân sự của nước lớn, xây dựng lực lượng quân đội có bộ binh, pháo binh, thiết giáp mạnh hòng đánh bại Việt Nam…

Năm 1975 - 1977, thời gian ngắn nhưng đầy khó khăn, thử thách đối với lãnh đạo, chính quyền và LLVT địa phương. Cuối năm 1978, LLVT tỉnh An Giang vinh dự được Quân khu 9 giao nhiệm vụ nổ súng đầu tiên, mở màn chiến dịch phản công chiến lược trên hướng tiến công chủ yếu của Quân khu 9. Sau khi đánh chiếm và mở rộng 2 hướng tiến công, ngày 1/1/1979, LLVT tỉnh tiếp tục tham gia tổng tiến công, đánh địch theo các mục tiêu trên giao; trong đó có mục tiêu Sư đoàn 311 - sư đoàn mạnh nhất của địch. Chỉ trong 1 tuần, LLVT tỉnh cùng với đơn vị bạn và cấp trên đánh chiếm hậu cứ cấp trung đoàn, sư đoàn của địch, diệt và bắt sống hàng trăm tên, thu hàng chục tấn vũ khí, góp phần giải phóng tỉnh Kandal và Takeo, cứu hơn 1 triệu người dân Campuchia thoát chết dưới bàn tay Pol Pot.

LLVT An Giang đã đánh 1.638 trận (không kể trận nhỏ lẻ), diệt 4.542 tên, làm bị thương 1.196 tên, bắt sống 1.555 tên, gọi hàng 1.410 tên; thu 5.804 khẩu súng, hơn 70 tấn đạn các loại, hơn 2,5 tấn lựu đạn, 2 tấn mìn chống tăng và chống bộ binh, thu 5 tàu (trọng tải từ 5-10 tấn), 46 ghe xuồng, gần 20 máy thông tin các loại; đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 11, 16 và Sư đoàn 270 của địch, đánh tan rã Sư đoàn 270, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 11, 12, Sư đoàn 210…

Sau ngày đất nước Campuchia được giải phóng, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, một bộ phận LLVT tỉnh An Giang tiếp tục tham gia đội quân tình nguyện ở lại giúp bạn (chủ yếu tỉnh Takeo) xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng. Qua 10 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại tình cảm quý mến trong lòng chính quyền và nhân dân Campuchia, góp phần vun đắp tình đoàn kết giữa dân tộc.

Tháng 6/2022, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 45 “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đi thăm các địa danh lịch sử tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Đây là những địa điểm, như lời Thủ tướng Hun Sen “đáng nhớ nhất cuộc đời mình và góp phần thay đổi đất nước Campuchia sau này”. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, hành động của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tham gia sự nghiệp giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và phát triển đất nước…

Từ mất mát, đau thương, mọi thứ đã hồi sinh sau 44 năm. Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định rằng, tình đoàn kết của chính quyền, quân đội và nhân dân 2 nước là nguồn sức mạnh, nhân tố quan trọng giúp vượt qua mọi trở lực, làm nên thắng lợi vĩ đại của mỗi nước, như lời hát “Việt Nam - Campuchia tay cầm tay samaki”!

GIA KHÁNH