Màu xanh dân quân trên đỉnh núi

29/03/2023 - 07:37

 - Tròn 2 năm, tôi mới có dịp gặp lại Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1989, dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn, vẫn nụ cười tươi trên gương mặt trắng trẻo, Hạnh lần nữa chở tôi lên đỉnh núi Cấm, nơi chị công tác.

Thêm 2 năm, tức là chị Hạnh đã khoác áo dân quân 5 năm. Nhà chị ở dưới chân núi Cấm, cách trụ sở đơn vị 8km đường núi. Cứ đi đi về về hàng ngày, nữ dân quân duy nhất của xã thuộc làu từng khúc cua, từng đoạn đường dốc. Là văn thư, công việc giờ hành chính, bản thân đang có con nhỏ, nên Hạnh được các anh “ưu ái”, cho phép về nhà mỗi chiều, không phải trực đơn vị. Thế nhưng, thi thoảng chị vẫn nán lại đỉnh núi vào tối muộn, đỡ đần công việc chung.

Hôm ấy, Hạnh loay hoay trong bếp, hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn chiều. Nắng vừa tắt thì không khí se lạnh tràn về, đỉnh núi chìm dần vào màn sương trắng. Nhưng chung quanh không chìm vào yên lặng, mà vẫn xập xình tiếng nhạc, tiếng người mua bán, dạo chơi, cùng với ánh đèn xanh đỏ soi bóng xuống hồ Thủy Liêm.

Nằm khuất sau con đường nhỏ, trụ sở Ban CHQS xã An Hảo cũng sáng đèn. Một số dân quân chuẩn bị mền dày cho chúng tôi, sợ khách đường xa khó ngủ bởi không khí lạnh về đêm. Với dân quân Chau Si Phuôn (sinh năm 1982), 10 năm công tác ở đỉnh núi đủ để anh quen với tiết trời, với công việc và người dân nơi đây.

“Núi Cấm được xem là nóc nhà miền Tây, vì ban ngày trời mát, ban đêm trở lạnh. Nhà tôi cách xa, nhưng nghĩ đến trách nhiệm chung, tôi vẫn tham gia dân quân xã, chưa có ý định thay đổi. Thường, chúng tôi chia nhau trực đảm bảo quân số, xong ca trực sẽ về nhà. Gia đình hiểu đặc thù công việc của tôi, nên rất thông cảm, động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ” - anh Phuôn chia sẻ.

Dân quân xã An Hảo phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn

Trong câu chuyện của anh, tôi mường tượng được sự thay đổi rõ rệt của núi Cấm sau nhiều năm. Từ thời đỉnh núi chắt chiu từng ánh sáng yếu ớt của đèn bình, đèn pin, các lực lượng chức năng nương theo chúng để tuần tra, kiểm soát địa bàn. Càng về sau, điện phủ khắp, ngọn núi bớt u tịch, vắng vẻ mỗi khi đêm về. Quá trình công tác của các đơn vị đỡ vất vả, đỡ nguy hiểm hơn.

Sau buổi cơm chiều, Ban CHQS xã An Hảo tập trung lực lượng, phối hợp Công an xã tổ chức tuần tra. Hai lực lượng chia tổ đi bộ tuần tra len lỏi đường núi, hoặc chạy xe gắn máy qua các khu vực trọng điểm, có nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Đại úy Chau Hương, Phó Trưởng Công an xã An Hảo thông tin: “Địa bàn rộng, phức tạp, vừa có yếu tố dân tộc, tôn giáo, vừa là khu du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh. Để đảm bảo an ninh trật tự, trấn áp các loại tội phạm, giữ bình yên cho khu vực núi Cấm, hàng năm Công an xã xây dựng kế hoạch, thường xuyên phối hợp Ban CHQS xã tuần tra kiểm soát địa bàn, đặc biệt vào dịp lễ, Tết. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất nhiệt tình, hăng hái tham gia phối hợp, giúp chúng tôi “dày thêm” lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ chung”.

Chiếm phân nửa diện tích của xã An Hảo là ngọn Thiên Cấm Sơn. Đây là trung tâm hành hương của du khách thập phương, với số lượng đông đảo. Điều này cũng làm xuất hiện tình trạng đối tượng lợi dụng điểm hẻo lánh trên núi, tổ chức thờ cúng, truyền đạo trái phép, nên quá trình giữ gìn bình yên khu vực gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua trở ngại đặc thù, nhiều năm nay, Ban CHQS xã tham mưu Đảng ủy, UBND, Ban CHQS huyện làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng lực lượng dân quân, tuyển quân đảm bảo chỉ tiêu.

Song hành với đó là trăn trở về đời sống của dân quân. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã An Hảo Võ Duy Tân cho biết: “Người dân nơi đây sống phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch, dần ổn định hơn trước. Trong khi đó, lực lượng dân quân vẫn nặng gánh kinh tế gia đình. Vì vậy, Ban CHQS xã tham mưu Đảng ủy, UBND xã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em. Ngoài chế độ tiền ăn cơ bản được cấp theo quy định; địa phương vận động doanh nghiệp hỗ trợ gạo, kinh phí cho bếp ăn... Trong 3 năm (2020 - 2022), đã có 3 căn nhà đồng đội được xây cất cho dân quân thường trực có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”.

Đặc trưng ở núi Cấm là phần lớn thanh niên, người lao động khỏe mạnh đều tham gia Nghiệp đoàn xe Honda đầu đưa rước khách du lịch. Trong số đó, có lực lượng dân quân của xã, kể cả chị Hạnh. Ngoài giờ trực, vào ngày nghỉ, họ khoác áo nghiệp đoàn thay cho áo dân quân. Nhờ vậy, mọi người có thêm nguồn thu nhập, an tâm gắn bó với đơn vị. Mặt khác, quá trình tham gia vào nghiệp đoàn giúp họ nắm rõ tình hình trật tự an toàn xã hội ở núi Cấm, kịp thời báo cáo ban chỉ huy.

Chở tôi xuống núi, dân quân Bùi Hoàng Trọng (sinh năm 1991) gửi kèm theo câu chuyện của mình. Sinh ra và lớn lên ở núi Cấm, anh học được “nghề” làm rẫy cùng gia đình, cộng với nghề chạy xe Honda đầu đưa rước khách. Có lúc, anh rời quê, đi TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm, mong “đổi đời”. “Làm không bao lâu, cuối cùng tôi vẫn quay về núi. Nơi đây khách du lịch đông, chịu khó tìm việc thì chẳng thiếu thu nhập, cần gì bôn ba đi xa. Khi tham gia dân quân, tôi muốn cùng góp sức với địa phương, gắn bó với quê hương nhiều hơn nữa” - anh Trọng bày tỏ.

Thiếu tá Dương Dạ Vũ, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Tịnh Biên khẳng định: “Lực lượng dân quân tự vệ huyện được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Ban CHQS xã An Hảo đã quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của trên, thể hiện toàn diện các mặt công tác. Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện”. 

 

GIA KHÁNH