Loài mèo răng cưa khổng lồ có tên khoa học Machairodus lahayishupup, từng đi lang thang quanh các vùng đất trống ở Bắc Mỹ từ 5 đến 9 triệu năm trước.
Trong nghiên cứu các nhà khoa học phân tích hoá thạch của cá thể mèo răng cưa lớn nhất từng được phát hiện. Họ ước tính khối lượng cơ thể của nó lên đến 274 kg hoặc lớn hơn. Nó là họ hàng cổ xưa của loài hổ răng cưa nổi tiếng.
Tổng cộng có tất cả 7 mẫu hoá thạch Machairodus lahayishupup, bao gồm cánh tay và răng trên. Các chuyên gia đã phân tích và so sánh với các loài khác để xác định loài mới cũng như kích thước của chúng.
Mèo răng cưa, kích thước khủng săn được cả tê giác
Nhà cổ sinh vật học John Orcutt, Đại học Gonzaga cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rất nhiều mẫu vật về con mèo khổng lồ trong các viện bảo tàng ở phía tây Bắc Mỹ. Chúng là những con mèo lớn".
Sau đó, sử dụng hình ảnh kỹ thuật số và phần mềm chuyên dụng các nhà nghiên cứu tìm điểm tương đồng giữa các di vật và sự khác biệt so với các loài mèo khác.
Đây là loài mèo chưa từng biết từ trước đến nay. Chúng có những chi trước rất khoẻ, đóng vai trò quan trọng trong việc bắt mồi. Nghiên cứu hoá thạch cho thấy chúng có kích thước gấp 1,4 lần xương ở loài sư tử ngày nay.
Chi tiết này cho thấy loài mèo răng cưa trong quá khứ có kích thước khổng lồ và rất mạnh mẽ.
Nhà cổ sinh vật học Jonathan Calede, Đại học Bang Ohio cho biết: "Chúng tôi tin rằng những con vật có kích thước khổng lồ đó thường xuyên tấn công, hạ gục đối thủ to lớn như bò rừng".
Ngoài ra, một số loài như tê giác, lạc đà, con lười lớn cũng là con mồi của mèo răng cưa khổng lồ.
Phát hiện mới cũng mở ra một số câu hỏi thú vị liên quan đến việc tiến hóa của những con mèo khổng lồ này. Jonathan Calede nói: "Người ta biết rằng có những con mèo khổng lồ ở châu Âu, châu Á và châu Phi và bây giờ chúng tôi phát hiện thêm con mèo răng cưa khổng lồ ở Bắc Mỹ".
Theo HOÀNG DUNG (Infonet)