Mục tiêu hàng đầu của gã khổng lồ phần mềm Mỹ trong năm 2023 chắc chắn vẫn là thuyết phục cơ quan chức năng thông qua thoả thuận 69 tỷ USD mua lại nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard.
Nếu được chấp thuận, đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử của giới công nghệ toàn cầu, đồng thời trở thành quyết định mang tính tiền lệ quan trọng cho việc mua bán và sáp nhập trong toàn ngành.
Thuyết phục cơ quan chức năng thông qua thương vụ thâu tóm Activision Blizzard sẽ là mục tiêu hàng đầu của Microsoft
Hiện Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã đưa đơn kiện lên toà án nhằm ngăn chặn thoả thuận được diễn ra. Cơ quan này tin rằng thương vụ sẽ làm tổn hại đến cạnh tranh công bằng khi Microsoft có thể độc quyền các thương hiệu trò chơi bom tấn như “Call of Duty” trên hệ máy chơi game Xbox do hãng sản xuất.
Ngoài FTC, các gã khổng lồ công nghệ khác cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về bom tấn sáp nhập của giới công nghệ. Bên cạnh Sony, công ty sở hữu máy chơi game PlayStation - đối thủ trực tiếp của Xbox, Google và Nvidia cũng gửi đánh giá lên FTC nhấn mạnh về việc thị trường cần được tiếp cận bình đẳng và cởi mở với tất cả các bên.
Nvidia là công ty dẫn đầu thị phần thị trường card đồ hoạ, được game thủ đánh giá cao và vận hành dịch vụ phát trực tuyến GeForce Now. Trong khi đó, Google đang cạnh tranh với Microsoft trên mảng kinh doanh đám mây.
Nhằm xoa dịu lo lắng của cơ quan chức năng và các công ty trong ngành, Brad Smith, Chủ tịch Microsoft trong một phát biểu gần đây đã nói rằng công ty sẵn sàng thoả hiệp và đề nghị tiếp tục cung cấp tựa game này trên các dòng máy chơi game của đối thủ trong 1 thập kỷ tới.
Một thoả thuận thành công sẽ đưa Microsoft trở thành công ty sản xuất trò chơi lớn thứ 3 thế giới, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của dịch vụ chơi game đám mây còn non trẻ của họ.
Dan Ives, chuyên gia phân tích tại Wedbush, cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chiến thắng của Microsoft trong cuộc chiến pháp lý với FTC.
Cắt giảm nhân sự quy mô lớn
Sa thải đang là từ khoá của giới công nghệ suốt thời gian qua. Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Meta, Amazon đều đã công bố những đợt sa thải lớn để đối phó với tình hình vĩ mô khó khăn.
Microsoft cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo Sky News, tập đoàn sẽ cắt giảm 5% nhân sự hiện có, tương đương 11.000 vị trí. Trong khi đó, Business Insider còn dự báo quy mô của đợt tái cơ cấu có thể lên tới 1/3 công ty.
Microsoft không nằm ngoài xu thế cắt giảm chi phí thông qua sa thải nhân viên
Tháng 7 năm ngoái, Microsoft nói rằng sẽ cắt giảm ít hơn 1% nhân viên. Đến tháng 10, công ty thông báo tiếp tục giảm thêm khoảng dưới 1.000 vị trí.
Gil Luria, chuyên gia phân tích tại DA Davidson, cho hay việc Microsoft tiến hành sa thải không phải là bất ngờ lớn do sự sụt giảm doanh số cơ sở hạ tầng đám mây cũng như doanh số hệ điều hành Windows trong vài quý vừa qua.
Nếu tinh giản 10.000 vị trí, nhà sản xuất hệ điều hành Windows có thể tiết kiệm 2,5 tỷ USD trong 12 tháng tới - theo tính toán của các chuyên gia tại Everscore ISI.
Sa thải quy mô lớn thường không diễn ra hàng năm tại công ty có lịch sử 47 năm tuổi đời này, nhưng cũng từng xuất hiện trong quá khứ. Năm 2017, Microsoft cắt giảm hàng ngàn nhân viên theo một kế hoạch tái cơ cấu đơn vị bán hàng. Đến năm 2014, sau khi sáp nhập bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia, công ty sa thải tới 18.000 nhân viên.
Theo Vietnamnet