Tát đìa bắt cá ăn Tết
Không biết tại sao quê tôi lại có tên “Xóm Tây”, có lẽ cư dân nơi đây phát âm nhanh, lại bị mất âm nên khó nghe, khó hiểu. Hồi đó, không khí Tết ở đây về rất sớm, bắt đầu từ rằm tháng Chạp (15-12 âm lịch). Khi đàn én ngoài đồng chao nghiêng là lúc báo hiệu mùa xuân cận kề. Dù bận bịu cỡ nào, nhà nhà đều chuẩn bị lo cho cái Tết. Lúc này, lúa mùa ngoài đồng thu hoạch rộ, là lúc các loài chim, chuột, lươn, cá, rắn, rùa, chui rúc xuống các lung, vũng, bào, đìa. Vì vậy, trước Tết vài ngày, người ta xúm lại bàn tính chuyện tát đìa. Chỉ cần 1 máy bơm nước và 1 ống dẫn nước hoặc cái thùng là xong. Ngày tát đìa, ai cũng dậy thật sớm. Không chỉ các thành viên trong gia đình, mà còn có sự giúp sức của bà con xung quanh. Mọi người chia nhau khiêng máy, ống bơm nước, mang thau, thùng, giỏ… kéo lên đồng. Khi máy bơm hoạt động chừng 2-3 giờ, nước trong đìa cạn, trơ ra lớp bùn nhão. Bấy giờ, các loại cá: lóc, trê, rô, sặc, thác lác và cả lươn, rùa… lộ ra. Đội quân của chủ đìa giăng một hàng ngang mò bắt cá, còn phía sau là đội quân bắt hôi. Những ai bắt được ít, phải chờ một lúc sau bắt cá ngộp để gỡ gạc. Bắt xong cá, người ta gánh về, thậm chí phải dùng cả xe bò để chở. Sau đó, cá được phân ra từng loại. Những con to, khỏe đem rọng vào thùng bán cho thương lái, cá chết thì làm mắm hoặc phơi khô. Dù có trúng hay thất mùa đìa, nhà nào cũng dành một lượng cá ngon, rắn, rùa, lươn để ăn Tết. 3 ngày Tết, loại thực phẩm này là hàng quý hiếm, ai cũng ưa thích.
Làm heo chia thịt ăn Tết
Nhà nào “mần” heo ăn Tết thì phải tính toán ngay từ sau Tết Đoan ngọ, người ta bắt heo con về nuôi bằng cám với rau muống hoặc chuối cây nấu cho ăn mỗi ngày. Ròng rã 7-8 tháng trời, con heo vô tạ, thịt ngon, săn chắc. Nếu sáng “mần” heo thì chiều hôm trước phải không cho heo ăn để sạch ruột, dễ “mần” bộ đồ lòng.
Khoảng 29 Tết, người ta quây quần “mần” heo chia thịt. Hừng đông, gia chủ thông báo bà con “lại nhà tui phụ một tay để làm heo chia thịt đem về kho ăn Tết nghen” là có mặt đông đủ. Ở quê tôi, cái lệ này cũng ngộ, mọi giao dịch đều nhẹ nhàng, rành mạch như cái luật “bất thành văn”. Người ra tay mổ heo không lấy tiền công, chỉ xin mỗi thứ một ít của bộ đồ lòng. Bà con hàng xóm tới phụ giúp, mỗi người lấy một, hai ký thịt mang về. Dù không ra giá nhưng sau đó ai cũng biết: một ký thịt heo đùi hoặc nạc tương đương một giạ lúa; còn mỡ hay ba rọi, nọng, nách thì chừng nửa giạ. Không ai phàn nàn về chuyện mắc, rẻ.
Ấm áp mâm cơm ngày cuối năm
Từ độ 20 âm lịch, nhà nhà bắt đầu đi tảo mộ ông bà. Đến chiều 23 tháng Chạp, mọi người bày xôi, chè, bánh, kẹo, rồi tụ tập nói chuyện râm ran để đưa ông Táo về trời. Đặc biệt, 3 ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả và bình hoa. Mâm ngũ quả thường là những trái cây to, ngon nhất được hái trong vườn, dâng cúng trên bàn ông Thiên, bàn thờ ông bà. Mâm ngũ quả gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung nhằm cầu mong gia đình sung túc, đầy đủ. Đây là ước muốn bình dị, tốt đẹp của người dân từ bao đời nay, đã trở thành truyền thống. Ngoài mâm ngũ quả, bàn thờ tổ tiên phải có bình hoa và một nhánh mai vàng.
30 Tết, nhà nhà đều làm mâm cơm tươm tất để “rước ông bà”. Mâm cơm thường có thịt kho hột vịt, dưa chua, khổ qua hầm, dưa hấu đỏ… Đây là tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên, ông bà. Dịp này, anh chị em, cháu, chắt trong nhà thường xúm xít đầy đủ. Mọi người kể cho nhau chuyện gia đình, làm ăn, chuyện học hành, tương lai của con cái. Sau đó, phụ nữ trong gia đình chuẩn bị gói bánh tét, món ăn quen thuộc và không thể thiếu trong ngày Tết. Người ta thường gói bánh tét vào ngày cuối cùng của năm cũ. Đặc biệt, phải nấu bánh tét chín kịp lúc đón giao thừa.
Mùng 1 đến mùng 3, trẻ con với quần áo mới đi chúc Tết ông, bà. Người lớn ăn mặc tươm tất, đi nhà này đến nhà khác, hết xóm này sang xóm khác chúc Tết, khề khà ly trà đầu năm trong nghĩa tình ấm áp. Đó là nét xưa truyền thống của làng quê tôi…
Nguyễn Rạng