Minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

03/03/2024 - 19:30

Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh từ cuối năm 2021 đến nay, Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ảnh minh hoạ

Tháo gỡ những rào cản pháp lý

Trên cơ sở chắt lọc ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu tại loạt hội thảo được tổ chức gần đây, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành 19 kiến nghị liên quan đến 5 vấn đề quan trọng của đất nước, với mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển chung của nền kinh tế. Trong đó có nội dung phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bản kiến nghị, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn với sự sụt giảm mạnh về dư nợ và khối lượng được phát hành mới.

Thực trạng này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân như sự giảm sút niềm tin của thị trường và nhà đầu tư khi một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn sai mục đích và có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Vì vậy, nhằm phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới, Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ cơ chế chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm sự nhất quán, ổn định của chính sách.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia và tiến hành giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng các động lực tăng trưởng ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp;

Các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới:

- Triển khai đồng bộ cơ chế chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ;

- Xem xét, đánh giá một số quy định hiện hành nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp;

- Tăng cường trách nhiệm các bên liên quan nhằm minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp;

- Hoàn thiện công tác vận hành hệ thống giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý;

- Xây dựng, triển khai các chính sách và phương án hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Từ những ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định khung khổ pháp lý mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn chỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro của thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để các chính sách được thực thi đúng đối tượng và vấn đề đặt ra.

Cụ thể là xem xét, đánh giá, hoàn thiện một số quy định mới áp dụng với nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một số quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư số 02 và 03/2023/TT-NHNN) hạn chế các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhằm quản trị rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, những quy định này đã hạn chế phần nào khả năng tiếp cận đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp có nhiều tiềm năng kinh tế trên thị trường;

Đánh giá, xem xét và sửa đổi các nghị định nhằm cải thiện thị trường trái phiếu, đặc biệt liên quan tới thời gian hoãn thực hiện các yêu cầu về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường;

Nghiên cứu xây dựng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh bất động sản, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản cần bảo đảm doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.

Tăng cường trách nhiệm các bên liên quan

Chỉ ra biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nguyên nhân từ sự giảm sút niềm tin của thị trường và nhà đầu tư khi một số doanh nghiệp phát hành huy động vốn sai mục đích và có biểu hiện vi phạm pháp luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị những giải pháp cụ thể cho cả doanh nghiệp phát hành và các cơ quan quản lý.

Về phía doanh nghiệp phát hành cần tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư, nhất là đối với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn; thực hiện nghiêm chỉnh việc công bố thông tin tài chính, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản và tình hình kinh doanh; đa dạng các loại hình trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu huy động vốn;

Đối với nhóm doanh nghiệp phát hành là các doanh nghiệp bất động sản, cần xây dựng phương án tái cơ cấu, tái cấu trúc các sản phẩm bất động sản nhằm đáp ứng các nhu cầu thực của thị trường và nền kinh tế.

Về phía Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý giám sát để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển;

Nâng cao hiệu quả giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các trường hợp thao túng, gian lận; công khai thông tin về các vụ việc vi phạm.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị thực hiện một số biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có triển vọng hoạt động tốt, có phương án kinh doanh khả thi và phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Cụ thể: Ngân hàng Nhà nước cần triển khai, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại; chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát hoạt động nhằm giảm chi phí, từ đó hỗ trợ công tác giảm lãi suất cho vay, khi lãi suất huy động đã giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19;

Thực hiện gia hạn đối với các trái phiếu bất động sản của các dự án khả thi, trên cơ sở đánh giá lại và cân đối tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện tại, và tính khả thi và hiệu quả của dự án phát hành;

Cho phép để doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn nếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, và thẩm định các dự án có tính khả thi được tiếp cận các khoản vay để tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

Theo TÔ HÀ (Báo Nhân Dân)