Lãnh đạo lực lượng liên ngành tặng quà, động viên các tổ công tác
Địa bàn trọng điểm
Trước thực trạng trên, để chủ động hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, các loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, năm nay các đơn vị chức năng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã ký kết kế hoạch liên ngành giữa công an, bộ đội biên phòng, quân sự, hải quan, quản lý thị trường và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ nhằm mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ khu vực biên giới đến nội địa.
Mục đích của kế hoạch liên ngành là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp tốt giữa các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy và đưa người qua lại biên giới; gian lận thương mại trên các tuyến giao thông thủy, bộ từ khu vực biên giới và trong nội địa. Theo đó, các địa bàn trọng điểm như: An Phú, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Quốc lộ 91, lực lượng liên ngành sẽ triển khai các tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch.
An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài gần 100km qua 5 địa phương, gồm: TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn, có 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ). Tại các cửa khẩu, hàng hóa qua lại được kiểm soát chặt chẽ nên các đối tượng buôn lậu “dạt” qua 2 cánh gà, các đường mòn, lối mở để thực hiện hành vi buôn lậu.
Tại các địa danh: cầu Mương số 2 của xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) hay rạch Chắc Ry, rạch Cây Gáo, mương Sáu Nhỏ (cặp bờ kênh Vĩnh Tế thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc), đường Trường Cá, cống Bảy Búa, cống Ông Cần, Tư Mèo, Cây Dương (khóm Xuân Biên) thuộc Tịnh Biên… hàng lậu được tập kết sát biên giới để khi có thời cơ thuận lợi, đối tượng buôn lậu sử dụng vỏ lãi, xuồng máy, xe môtô hoặc thuê người đai vác, vận chuyển bằng cách chia nhỏ hàng ra rồi đưa qua biên giới bằng các đường mòn, lối mở, dòng sông chung, cánh đồng giáp biên để đưa qua biên giới. Sau khi đưa hàng qua được biên giới, đối tượng buôn lậu tập kết hàng hóa lại đưa lên các phương tiện vận chuyển như: xe gắn máy, xe ôtô tải, ôtô khách (đang neo đậu chờ sẵn) để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Đấu tranh, bắt giữ
Thực tế cho thấy, khi hàng hóa có sự chênh lệch về giá giữa ngoài biên giới với nội địa thì tình hình buôn lậu sẽ diễn ra. Sự chênh lệch về giá càng cao thì tình hình buôn lậu càng nóng. Trước thời điểm ngày 1-1-2020, khi Hiệp định về hàng hóa giữa các nước ASEAN (ATIGA) chưa có hiệu lực, ở các địa danh vừa nêu trên, đối tượng buôn lậu dùng vỏ lãi chuyên dụng để đưa các bao đường cát Thái Lan từ bên kia biên giới qua kênh Vĩnh Tế rồi đưa lên xe tải để chở đi tiêu thụ.
Tại địa điểm này, khi nước lên trên các cánh đồng, đối tượng buôn lậu đã dùng các loại máy xe ôtô (có mã lực lớn) đặt xuống vỏ lãi để chở đường cát, thuốc lá điếu qua biên giới. “Tốc độ di chuyển của các loại phương tiện “chuyên dùng” này đi rất nhanh, có thể đạt từ 50-60km/giờ và chúng có thể chạy được trên địa hình đồng cỏ nhờ có 2 miếng sắt phía trên và phía dưới chân vịt. Hai miếng sắt này hạn chế không cho chân vịt quấn cỏ hoặc lưới giăng trên đồng, vì vậy phương tiện này được đối tượng tận dụng triệt để đối với địa hình mùa nước nổi” - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Từ thực tế của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu ở An Giang cho thấy, dù đối tượng buôn lậu có manh nha, xảo huyệt đến đâu thì chúng cũng không qua mắt được các lực lượng chức năng. Minh chứng cho điều này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, chỉ tính riêng 8 tháng của năm 2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.236 vụ (tăng 4,4% so cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ trên 30 tỷ đồng. Trong đó, thuốc lá nhập lậu bắt giữ 523.284 gói (giảm 10,2% so cùng kỳ). Đường cát nhập lậu bắt giữ 166.280kg (giảm 40% so cùng kỳ). Ngoài việc bắt giữ, xử lý hàng hóa vi phạm, cơ quan chức năng khởi tố 25 vụ với 30 đối tượng có liên quan về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
Mới đây, tại khu vực tổ 5 (ấp Tân Định, xã Tân Lập, Tịnh Biên), Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) đã triệt xóa điểm tập kết thuốc lá lậu, thu giữ gần 20.000 bao thuốc lá các loại. Cùng với địa bàn Tịnh Biên, ở các địa bàn trọng điểm khác, lực lượng liên ngành cũng đã bắt giữ nhiều loại hàng hóa khác của đối tượng buôn lậu. Ngay sau khi lực lượng liên ngành ra quân, buôn lậu đã co cụm và dạt sang các tỉnh lân cận để thực hiện hành vi buôn lậu.
“Các hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, ma túy và đưa người trái phép qua lại biên giới; gian lận thương mại sẽ được phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời và nghiêm minh. Mục đích của việc làm này nhằm để răn đe, giáo dục, góp phần làm trong sạch địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp…” - ông Huỳnh Ngọc Hồ chia sẻ.
MINH HIỂN