Mở cửa kinh tế an toàn với dịch bệnh

15/10/2021 - 05:28

 - Việc tạm dừng áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển sang trạng thái thích ứng lâu dài với dịch bệnh COVID-19 là một bước đột phá về tư duy và hành động của Chính phủ. Trong đó, hành xử thống nhất, rõ ràng, cụ thể theo từng cấp độ dịch là điều mà hầu hết doanh nghiệp (DN), người dân đang mong đợi.

Không chống dịch “mỗi nơi mỗi kiểu”

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (gọi tắt là Nghị quyết 128). Cùng với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, Nghị quyết 128 được xem là bước ngoặt quan trọng để tạo điều kiện khôi phục sản xuất - kinh doanh (SXKD), phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân dần trở lại bình thường mới. NQ128 cũng nhấn mạnh quan điểm “bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc”; “không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới SXKD, đời sống xã hội”; “không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất”…

Chính phủ phân loại 4 cấp độ dịch, gồm: cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao, tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ. Về phạm vi đánh giá cấp độ dịch, phải đánh giá từ quy mô nhỏ nhất có thể (cấp xã hoặc dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch, UBND tỉnh, thành phố quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, DN biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Chính phủ nêu cụ thể các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch đối với một số hoạt động của tổ chức, cơ quan, DN, gồm: tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; SXKD, dịch vụ; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động cơ quan, công sở; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao; ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với cá nhân, quy định cũng nêu rõ các biện pháp về tuân thủ thông điệp “5K”, ứng dụng công nghệ thông tin, việc đi lại của người dân và về điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 ở từng cấp độ dịch.

Quy định áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, SXKD và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Với Nghị quyết 128, tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 và một số văn bản trước đó. Đây được xem là cơ sở và căn cứ quan trọng để các địa phương áp dụng thống nhất chung, chuyển đổi tư duy và trạng thái thích ứng an toàn, tránh chống dịch “mỗi nơi mỗi kiểu”.

Thoáng hơn cho doanh nghiệp, người dân

Sau Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP. Long Xuyên là địa phương đầu tiên của tỉnh An Giang “phát pháo”, khởi động lại kinh tế, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhiều cơ sở SXKD, dịch vụ được phép hoạt động trở lại, trong đó cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, kinh doanh mặt hàng may mặc, quần áo… được phục vụ tại chỗ.

 Tuy vẫn còn thận trọng, mở cửa từng bước, giới hạn số lượng người được phục vụ trong cùng thời điểm… nhưng cũng là tín hiệu mừng đối với người dân, DN, cơ sở SXKD. Nhiều người kỳ vọng, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, địa phương trung tâm của tỉnh sẽ dần khôi phục, phát triển kinh tế, chuẩn bị tốt cho thị trường và các hoạt động SXKD cuối năm, thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

“Hiệp hội DN tỉnh đánh giá rất cao sự chủ động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID tỉnh trong kế hoạch mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Điều này nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra đối với phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) An Giang. Sắp tới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ đến thăm các DN, tìm hiểu những khó khăn, vướn mắc để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất phát triển, làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa DN với tỉnh, tạo ra một cộng đồng DN thực sự vững mạnh để phục vụ cho phát triển KTXH” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp chia sẻ.

Đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế sau dịch, ngoài kế hoạch mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế trên địa bàn, các địa phương trong tỉnh cần dựa vào thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, đẩy mạnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, kết nối cung - cầu, phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, trong đó các nhóm giải pháp chính vẫn là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, đầu tư; hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất.

 Đối với các địa phương có thế mạnh trong phát triển du lịch, như: TP. Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… cần chuẩn bị các kịch bản cần thiết để thúc đẩy ngành du lịch phát triển trở lại. Bên cạnh đó, có cơ chế tạo thuận lợi, thống nhất để các DN trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản được phục hồi sản xuất, sớm trở lại hoạt động bình thường, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Thống nhất về lưu thông toàn tỉnh

Sau buổi họp trực tuyến về việc rà soát các quy định đối với việc lưu thông qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp các ý kiến, sớm hoàn chỉnh để trình Thường trực UBND tỉnh ban hành Công văn về việc quản lý người dân đi, đến tỉnh An Giang đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với vận tải hành khách và vận tải hàng hóa nội tỉnh, ông Trần Anh Thư giao Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện đồng bộ. Về xét nghiệm test nhanh với SARS-CoV-2 để kiểm tra công dân di chuyển trong nội tỉnh, Sở Y tế được giao khẩn trương có hướng dẫn cụ thể, để thực hiện đồng bộ cho toàn tỉnh.

Đối với việc kiểm soát công dân và xe vận chuyển hàng hóa di chuyển trong địa phận tỉnh An Giang, chỉ bố trí các chốt cố định để kiểm soát người, phương tiện di chuyển từ “vùng đỏ”, “vùng cam” sang “vùng vàng”, “vùng xanh”. Đồng thời, không bố trí các chốt cố định, chỉ bố trí các tổ lưu động để tuần tra, kiểm soát người, phương tiện di chuyển từ “vùng vàng” qua “vùng xanh” và ngược lại; nội dung kiểm soát là việc chấp hành theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 và quy định về giãn cách xã hội trong vùng. Khi người, phương tiện di chuyển trên địa bàn tỉnh, chỉ kiểm tra 1 lần (các huyện, thị xã, thành phố cần có sự thống nhất về thủ tục, hồ sơ nhận diện đối với người, phương tiện đã kiểm tra rồi).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chính thức quy định cụ thể việc kiểm soát người, phương tiện di chuyển trên địa bàn tỉnh theo hướng thống nhất chung, phù hợp với quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay. Đồng thời, giao Công an tỉnh hướng dẫn công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kiểm soát người, phương tiện di chuyển trên địa bàn tỉnh thống nhất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trưa 14-10, Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc cho biết: “Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, TP. Long Xuyên đã nhanh chóng tháo dỡ 2 chốt (phường Bình Đức và phường Mỹ Hòa), do huyện Châu Thành (giáp phường Bình Đức) và huyện Thoại Sơn (giáp phường Mỹ Hòa) đều thuộc “vùng xanh” giống TP. Long Xuyên. Chúng tôi chỉ duy trì các tổ tuần tra lưu động để kiểm tra, ghi nhận việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 của người dân trên địa bàn. Đối với chốt kiểm soát tại phường Mỹ Long vẫn được duy trì, vì tình hình dịch bệnh của huyện Chợ Mới còn diễn biến phức tạp. TP. Long Xuyên và huyện Chợ Mới thống nhất hỗ trợ nhau trong kiểm soát người qua lại để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Chốt kiểm soát Vàm Cống sẽ vẫn được duy trì theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tuân thủ quy định về “luồng xanh”: tài xế và người đi cùng đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (qua 14 ngày), có kết quả test âm tính còn hiệu lực theo quy định ngành y tế”.

Ông Ngọc cho biết, trong sáng 14-10, TP. Long Xuyên đã triển khai các vấn đề trên, đảm bảo cho bà con nhân dân đi lại an toàn, tiện lợi, đúng quy định.

Về hoạt động của Trạm kiểm soát Vàm Cống (TP. Long Xuyên), UBND tỉnh yêu cầu, đối với phương tiện vận tải hàng hóa (đã đăng ký luồng xanh), tài xế và người đi cùng đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (qua 14 ngày), có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính còn hiệu lực (theo quy định của ngành y tế), hướng dẫn cho khai báo y tế (không test nhanh tại chốt) thì cho vào An Giang.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Liên kết hữu ích