Để tìm ra một mô hình phát triển DL phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, ngày 8-4-2021 vừa qua, UBND TX. Tân Châu kết hợp Khoa DL, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình phát triển DL của TX. Tân Châu giai đoạn 2021-2030”. Hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp làm DL, các cơ quan chức năng tham gia đóng góp, lựa chọn mô hình, sản phẩm để đưa DL của thị xã phát triển ổn định, bền vững.
Du khách trải nghiệm, mua sắm sản phẩm
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu lên thực trạng của DL thị xã trong thời gian qua, đồng thời đề xuất các mô hình phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hội thảo đã xác định, để DL Tân Châu phát triển, địa phương cần xây dựng hệ thống sản phẩm DL mang tính đặc trưng (trên cơ sở phát huy giá trị các sản phẩm DL hiện có trên địa bàn), trong đó lấy phát triển DL văn hóa làm nền tảng; DL sinh thái, DL tâm linh làm sản phẩm đặc trưng.
Bên cạnh đó, phát triển thêm các loại hình DL mới, phục vụ nhu cầu mua sắm, tạo giá trị gia tăng, như: DL làng nghề, DL ẩm thực… Cụ thể, trong phát triển sản phẩm DL sinh thái, địa phương cần nghiên cứu, xây dựng sản phẩm DL sông nước ở khu vực cồn bãi; mô hình DL tham quan vườn hoa kiểng, vườn cây ăn trái… Đầu tiên, để sản phẩm DL sông nước phát triển, địa phương cần huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các bến thuyền, cầu tàu để đảm bảo cho các tàu DL cặp bến, đưa du khách lên bờ tham quan, mua sắm thuận tiện.
“Chúng tôi đưa khách Châu Âu về đây bằng các loại tàu DL. Tàu lớn phải neo đậu giữa sông, vì vậy, muốn đưa du khách vào bờ để trải nghiệm, mua sắm không đưa được. Nếu dùng thuyền nhỏ hoặc xuồng càng không thể vì sông Tiền nước chảy mạnh và rất sâu, đi bằng phương tiện nhỏ nhiều rủi ro. Chúng tôi đề xuất TX. Tân Châu cần xây dựng 1 cầu tàu, bởi khách có lên bờ được thì mới tiêu tiền, các dịch vụ DL nơi đây mới phát triển” - ông Nguyễn Thành Chương (Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần DL Cánh Buồm Đông Dương tại TX. Tân Châu) đề xuất.
Lễ hội là sản phẩm du lịch của địa phương
Ngoài việc đề xuất xây dựng cầu tàu phục vụ đưa khách lên bờ, ông Chương còn phản ánh thêm đó là, lụa Tân Châu nổi tiếng ở rất nhiều nước, trong đó nổi bật là lãnh Mỹ A. Chính từ sự nổi tiếng này, các hãng DL đẩy mạnh truyền thông quảng bá để bán tour, song khi đưa khách đến cơ sở, do khó khăn về thị trường tiêu thụ, các cơ sở dệt nhuộm tại đây không còn dệt lãnh Mỹ A, họ đã chuyển sang dệt gấm các loại, các hãng lữ hành đành phải giải thích để du khách hiểu… Để DL làng nghề phát triển, ông Chương đề nghị TX. Tân Châu nghiên cứu, khôi phục lại mô hình trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, cụ thể trồng lại cây mặc nưa để nhuộm lãnh Mỹ A…
“TX. Tân Châu có nhiều tiềm năng trong phát triển DL, hơn nữa lãnh đạo nơi đây có quyết tâm cao, đây là tiền đề quan trọng để DL phát triển. muốn vậy, ngoài phát triển các sản phẩm DL mà đề án đã phê duyệt, thị xã cần nghiên cứu sản phẩm DL mang tính chuyên nghiệp như ở Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam). Ở đây có dệt lãnh Mỹ A, cách giới thiệu và trưng bày sản phẩm phải chuyên nghiệp hơn, như vậy mới thu hút được du khách đến với địa phương” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch An Giang Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Tân Châu có đội đàn ca tài tử để phục vụ khách du lịch
Mô hình phát triển DL ở Tân Châu đã được chỉ ra, vấn đề tiếp theo và cần làm là thị xã bắt tay xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng DL, kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu DL. Cần hoàn thiện môi trường DL, trong đó có môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Đối với môi trường tự nhiên, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các địa điểm khách tham quan DL; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL và nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, khai thác DL đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đối với môi trường xã hội, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm xã hội đối với hoạt động DL tại địa phương. Từng bước tổ chức, quản lý tốt các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương và khách DL hành hương… có như vậy DL Tân Châu mới "cất cánh", trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã trong thời gian tới.
“TX. Tân Châu có thế mạnh trong phát triển DL cộng đồng nhưng để làm được việc đó, cần mở lớp huấn luyện, đào tạo, mở rộng thành phần tham gia phát triển DL cộng đồng, từ anh “xe ôm” đến các chị tiểu thương, người dân ở các phường, xã phải thể hiện được tính thân thiện, hợp tác, tạo được ấn tượng tốt khi du khách tới đây” - ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH HIỂN