Mở rộng tiềm năng kinh tế cửa khẩu

26/11/2024 - 06:17

 - Nằm trong vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, nhiều cảnh quan tươi đẹp. Tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km, với các cửa khẩu quốc tế, quốc gia, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. Về mặt địa - kinh tế, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Campuchia).

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang, trên cơ sở tham mưu của đơn vị, sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đã thực hiện các quy hoạch triển khai, bố trí vốn từ ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trụ sở làm việc của cơ quan chức năng, hạ tầng khu thương mại, công nghiệp, dịch vụ... tại 3 khu vực cửa khẩu. Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động. Tỉnh có 5 cửa khẩu, gồm: 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) và cửa khẩu phụ Bắc Đai.

Thời gian qua, tỉnh thu hút được 13 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 577 tỷ đồng. Một số dự án lớn đang đăng ký đầu tư, tổng vốn tương đương 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn đầu quy hoạch là đầu tư xây dựng các hạ tầng cơ bản để có điều kiện kêu gọi thu hút đầu tư. Đồng thời, cải tạo, chỉnh trang kết hợp đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang trong giai đoạn đầu... Theo đó, lũy kế đến nay, tại các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 1 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.224 tỷ đồng; 18 dự án đi vào hoạt động.

Lễ công bố Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và hợp nhất với Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương hiện có thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương – Kaorm Samnor

Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) lên cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Khánh Bình; mở cửa khẩu phụ Khánh An - Prek Chrey. Tại cuộc họp tháng 11/2024 với các đơn vị liên quan, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng thống nhất giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương thực hiện thủ tục nâng cấp cửa khẩu chính, mở cửa khẩu phụ đảm bảo thời gian, quy định.

Việc lập Đề án nâng cấp, giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện. Khi hoàn thành, đây là điều kiện thuận lợi để Nhân dân 2 tỉnh An Giang và tỉnh Kandal (Campuchia) qua lại làm ăn buôn bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt quan hệ đối ngoại giữa 2 tỉnh, 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của các khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh được Chính phủ quan tâm đầu tư dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc, kết nối với tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang. Giai đoạn tới, tiếp tục đầu tư các đoạn nối tuyến cao tốc đến cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình, liên thông với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, kết hợp tuyến nội tỉnh theo trục dọc và trục ngang, tạo thành mạng lưới giao thông liền mạch, thông suốt đến khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng sông và các vùng nguyên liệu. Từ đó, giúp tỉnh mở rộng không gian, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nhà đầu tiên chiến lược và Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.

Quản lý chặt chẽ khu vực cửa khẩu, để phát triển kinh tế

Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất 4 nội dung nhằm phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang. Thứ nhất, tỉnh cần tiếp tục kiến nghị Trung ương xin cơ chế phát triển vượt trội đối với khu kinh tế cửa khẩu, chuyển thành khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt. Tập trung tạo ra công cụ tài chính và pháp lý mang tính đột phá, xây dựng cơ chế huy động vốn sáng tạo (tín chỉ carbon từ hệ sinh thái rừng là ưu tiên chiến lược). Bằng cách này, không những giải quyết được vấn đề tài chính, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, An Giang đề xuất cơ chế ưu đãi thuế linh hoạt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Mô hình “có đi có lại” giữa các nước sẽ được vận hành qua không gian kinh tế cửa khẩu, tạo ra một “vùng đệm” kinh tế động. Các ưu đãi được mở rộng đến cấp độ doanh nghiệp và người lao động.

Thứ hai, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ thống nông trại thông minh và phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Mục tiêu là tạo ra một chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản An Giang trên thị trường quốc tế. Thứ ba, về phân kỳ phát triển và phân kỳ đầu tư Khu kinh tế giữa các cửa khẩu, ưu tiên đầu tư vào khu vực trọng điểm trước. Cách làm này giúp tập trung nguồn lực, giảm chi phí và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Thứ tư, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với địa bàn khu vực biên giới và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

GIA KHÁNH