Mối quan hệ lợi ích bất chính, loạt quan chức - doanh nghiệp nhận kết đắng

04/01/2024 - 09:24

Những mối quan hệ doanh nghiệp - quan chức để hưởng lợi ích bất chính liên tục bị phanh phui khiến quan chức mất hết, rơi vào lao lý, doanh nghiệp cũng phải trả giá.

"Dính" đến Xuyên Việt Oil: Bí thư, Thứ trưởng vướng lao lý

Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22/8/2016. Công ty này được cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu vào ngày 19/11/2021.

Hai lãnh đạo Xuyên Việt Oil đưa hàng loạt quan chức nhúng chàm

Kết thúc quá trình thanh tra năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương xử lý vi phạm hành chính và bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với thời gian 1,5 tháng đối với hành vi vi phạm quy định về không duy trì, đáp ứng đủ số lượng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định nêu trên. 

Năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện việc kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil. Tại thời điểm kiểm tra, Bộ Công Thương ghi nhận Công ty Xuyên Việt Oil có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, có 3 cửa hàng tại thời điểm kiểm tra có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực và có 20 hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu ký kết với các đại lý bán lẻ xăng đầu đang còn hiệu lực.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương - Phó Giám đốc công ty này. Cả hai đều bị bắt vì tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tiếp đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Đức Thọ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 Bộ Luật Hình sự.

Trong khi đó, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (nguyên Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) bị bắt về tội Nhận hối lộ. Ông Đỗ Thắng Hải (60 tuổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bị bắt với tội danh tương tự.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Đặng Công Khôi - Cục phó quản lý giá, Bộ Tài chính với cáo buộc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB: Loạt quan chức nhận hàng triệu USD

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan và 85 bị can khác.

86 người bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra chỉ rõ nhằm che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cũng như các sai phạm của Ngân hàng SCB, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước. Lợi ích bất chính của những quan chức thu được từ việc bao che cho sai phạm lên đến nhiều triệu USD.

Trong đó, người nhận tiền nhiều nhất từ SCB phải kể đến bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước). Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận từ Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và đưa ra dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB. 

Dự án nghìn tỷ Khu đô thị Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí 

Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. 

Khi mở rộng điều tra vụ án trên, Bộ Công an bước đầu xác định Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh), huyện Đức Trọng. 

Theo hồ sơ, chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Đại Ninh là CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp này là bà Phan Thị Hoa.

Thành lập vào năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Năm 2017, công ty nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này chỉ có dự án duy nhất là Khu đô thị Đại Ninh. 

Năm 2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ cho CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Capella của đại gia Nguyễn Cao Trí. 

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Cao Trí cũng đã bị đề nghị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo Vietnamnet