Món ăn đường phố "gây thương nhớ" ở Sài Gòn

26/11/2018 - 19:26

Sài Gòn có không ít những hàng quán ven đường, với những món ăn đã trở nên thân thuộc với nhiều người. Chuối nướng, bánh canh hẹ hay gỏi đu đủ khô bò là những món ăn bạn nên thử khi đến thành phố sôi động này.

Hàng chuối nếp nướng mỗi ngày bán 1.200 trái

Một trong những món ăn đường phố đốn tim du khách không thể không nhắc tên đến món chuối nếp nướng, đặc sản sông nước miền Tây được bán ở nhiều đường phố Sài Gòn. Nếu đã là tín đồ của món này thì bạn không thể bỏ qua quán chuối nếp nướng trên đường Võ Văn Tần (quận 3). Quán có thâm niên khoảng 20 năm và có ngày chủ quán bán tới 1.200 trái chuối nếp nướng. 

 

Chuối nếp nướng là món ăn đường phố hấp dẫn ở Sài Gòn. Ảnh: I.T

Theo lời chủ quán, món chuối nếp nướng không quá cầu kỳ trong các bước chuẩn bị nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Chuối phải là loại chuối chín cây, không dùng loại vừa chín tới hoặc quá chín vì sẽ gây khó lúc nướng. Nếp là loại ngon, chỉ lấy từ mối quen, trước khi xào còn được trộn với nước cốt dừa. Nhờ bí quyết này mà phần vỏ nếp dẻo thơm và không quá nhão. Chuối sau khi lột vỏ sẽ được áo một lớp nếp vừa phải, bọc trong lá chuối xanh rồi nướng trên bếp than đỏ hồng. Nhờ có lớp lá chuối này mà bánh không bị khét, người nướng cũng tiện canh bánh chín. Khi lớp lá bên ngoài bắt đầu cháy sém, lộ ra miếng nếp vàng ươm, tỏa mùi thơm là bánh chín.

Món chuối nếp nướng sẽ không có hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm nếp, vị béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo nên món ăn đơn giản mà níu chân thực khách.

Xe bánh hẹ chiên lâu đời tại quận 5

Bánh hẹ được xem là món ăn hấp dẫn của người Hoa. Những chiếc bánh tròn mộc mạc với phần bột và nhân bên trong ấy vậy mà lại trở nên quen thuộc cho những lúc bỗng thèm cái gì đó ăn đỡ buồn miệng. Chính vì thế đây là món ăn được nhiều người yêu thích khi lang thang ở Sài Gòn. Quán nằm ở phía cuối chợ Xã Tây, đường Trần Hưng Đạo, quận 5, mỗi ngày thu hút rất đông thực khách.

 

Ảnh: saostar

Món ăn này không khó làm, nhưng cái hay là phải đem đúng những hương vị đặc trưng của ẩm thực Trung Hoa vào từng chiếc bánh. Bánh hẹ trắng, tròn và đầy đặn với phần nhân ẩn mình bên trong lớp vỏ bột dai và mịn. Khi có khách chủ quán mới thả vào chiếc chảo dầu lúc nào cũng nóng rẫy.

Sau khi đảo đều vài lần, bánh từ từ áo bên ngoài lớp bột chiên giòn rụm và dậy mùi thơm. Bạn có thể gọi thêm trứng chiên để ăn kèm và hoà thêm vào vị béo cho món ăn. Cái hay ở đây là dù lớp ngoài mang cái giòn giòn của món chiên nhưng lớp bột bên trong vẫn giữ được độ dai, mềm mịn đặc trưng. Phần nhân hẹ vừa chín tới, ngọt vị và không hề nồng mùi.

Gỏi đu đủ khô bò lâu năm 

Nằm khuất mình trong một căn nhà cũ trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1 có một quán gỏi khô bò cha truyền con nối đã rất lâu năm.

 

Mỗi một dĩa khô bò có giá 16.000 đồng nếu ăn tại chỗ và 18.000 đồng nếu mua mang về. Ảnh: VNE

Những ai từng ăn gỏi khô bò ở đây đều khó quên độ giòn của sợi đu đủ lúc nào cũng tươi xanh. Tuy là gỏi đu đủ với khô bò nhưng chính đu đủ mới là cái hồn của món ăn. Để chế biến, đu đủ phải là trái còn xanh, vừa tay cầm.  Sau khi mua về, đu đủ được gọt vỏ, bào sợi rồi được xử lý theo bí quyết để có độ giòn và dai mà để lâu không bị mềm.

Khô trong món ăn có hai loại là khô bò và lá lách bò, do chính tay chủ quán làm, vị béo, thơm và hơi dai. Những miếng khô được cắt miếng vừa ăn và tẩm ướp gia vị vừa vặn. Sau khi xếp đu đủ bào sợi và khô bò lên trên, rồi tiếp tục rắc chút đậu phộng, rau thơm và không thế thiếu nước giấm và nước từ khô bò.

Gỏi đu đủ khô bò hơn nhau ở vị nước trộn gỏi. Mỗi nơi sẽ có cách pha chế để tạo nên phong cách riêng. Gắp một đũa gồm miếng lá lách, khô và vài sợi đu đủ rồi chậm rãi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. 

Theo Dân Việt