Món bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

06/12/2024 - 06:12

 - Trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở vùng Bảy Núi An Giang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng. Trong đó, có phương pháp làm món bánh kà-tum – loại bánh mang ý nghĩa tốt đẹp, gửi gắm niềm mong cầu của đồng bào Khmer về cuộc sống đủ đầy.

Khách phương xa khi đến An Giang, lần đầu nhìn thấy bánh kà-tum đều thích thú vì vẻ ngoài xinh xắn của chiếc bánh. Tuy nhiên, muốn tìm mua loại bánh này vào những ngày bình thường không dễ. Vì mang ý nghĩa mong cầu về một cuộc sống trọn vẹn, sung túc và đủ đầy, nên bánh kà-tum thường thấy nhiều vào các dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS Khmer, như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok. Chiếc bánh kà-tum hoàn thành có kích thước nhỏ, được kết thành chùm, vỏ bánh đan từ lá thốt nốt. Mặc dù là loại bánh đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer, nhưng hiện nay số người thành thạo kỹ thuật làm bánh kà-tum không nhiều.

Là nghệ nhân làm bánh kà-tum nổi tiếng, với khoảng 44 năm tuổi nghề, bà Néang Phương (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) cho biết: “Tôi học làm bánh kà-tum từ mẹ ngay khi còn nhỏ. Không giống như những loại bánh dân gian gói bằng lá khác, bánh kà-tum cần đan phần vỏ trước, sau đó mới cho nhân vào bên trong, rồi đan kín vỏ. Trong các công đoạn làm bánh kà-tum khâu thắt lá thốt nốt tạo hình vỏ bánh là kỳ công nhất, bởi cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Để có được chiếc bánh đẹp, phải lựa những tàu lá thốt nốt non ở ngọn cây, chặt xuống, lau sạch, rọc thành từng mảnh nhỏ có kích thước bằng nhau, đan thành hình vỏ bánh, lá thốt nốt phải được đan khít với nhau để nhân không bị lộ ra ngoài. Ở phần chóp bánh kà-tum được thắt tạo hình giống như cánh hoa đang bung nở. Một chiếc bánh hoàn chỉnh đòi hỏi vỏ bánh phải vuông đều các góc, các mặt”.

Bánh kà-tum tạo ấn tượng với thực khách vì vẻ ngoài xinh xắn

Với người thợ lành nghề như bà Neáng Phương, cần khoảng 5 phút mới đan xong 1 vỏ bánh cầu kỳ; còn những người mới học nghề, phải mất gần 15 phút mới hoàn thành vỏ bánh. Khi vỏ bánh đan xong được chừa một lỗ trống nhỏ để đưa phần nhân bánh vào bên trong, sau đó đan kín lại. Nguyên liệu làm bánh kà-tum không lạ, gồm: Nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối và trộn thêm một số gia vị khác. Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm, được rút nước và để ráo, tiếp đến là cho đậu trắng, nước cốt dừa, muối, đường vào trộn đều cho thấm. Bánh kà-tum khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 40 - 50 phút, sau đó vớt ra, ngâm qua nước lạnh, để ráo. Vỏ bánh kà-tum sau khi nấu chín có màu vàng nhạt, nhân bánh bên trong không dính vỏ, nếp mềm dẻo, có hương thơm hòa quyện giữa nếp và nước cốt dừa, tạo vị ngon béo, ít ngọt, rất khoái khẩu. Thông thường bà Néang Phương làm bánh kà-tum theo nhu cầu của người đặt hàng, mỗi ngày bán hơn 100 chiếc bánh. Vào các ngày lễ, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS Khmer số lượng bánh kà-tum làm ra nhiều hơn do nhu cầu tăng cao.

Chính vì mang nét đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer, sử dụng nguyên liệu làm bánh từ thốt nốt nên nhân dịp “Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tổ chức, bà Néang Phương được mời đến ngày hội thực hành làm bánh kà-tum để khách tham quan xem và trải nghiệm. Nhiều khách đến ngày hội, thích thú theo dõi đôi tay thoăn thoắt của bà Néang Phương đan vỏ bánh và hoàn thành chiếc bánh. Khách muốn thử làm bánh, bà Néang Phương vui vẻ “cầm tay chỉ việc”, nhưng không ai làm được chiếc bánh hoàn chỉnh. Bởi, muốn làm được vỏ bánh kà-tum, trong từng bước đều cần sự tỉ mỉ, đòi hỏi kiên nhẫn và phải mất ít nhất một buổi mới nhớ thứ tự đường đan, mối thắt. Dù không hoàn thành được chiếc bánh hoàn chỉnh nhưng được trải nghiệm, chạm tay vào làm loại bánh xinh xắn này ai nấy đều thấy hài lòng.

Khâu gói bánh đã kỳ công, đến khi thưởng thức chiếc bánh cũng không dễ dàng. Nếu muốn nhanh chóng nếm hương vị bánh kà-tum người ta thường cắt bỏ phần vỏ phía trên để lấy nhân bánh. Nhưng cũng có nhiều thực khách muốn ăn bánh đúng cách, nên kiên nhẫn dò tìm mối đan ở phần vỏ bánh, tháo dần dần từng mảnh vỏ thốt nốt. Chị Ngô Thị Ngọc Tâm (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Những người bạn của tôi ở TP. Hồ Chí Minh mỗi khi đến An Giang đều muốn mua bánh kà-tum về làm quà. Mỗi lần như vậy, tôi phải nhờ người quen ở huyện Tri Tôn đặt bánh trước. So với các loại bánh dân gian làm từ nếp khác thì vị ngon của bánh kà-tum không quá đặc biệt, nhưng vì là loại bánh đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer, có hình dáng bắt mắt, được làm kỳ công, lại không dễ tìm, nên tạo được thiện cảm với nhiều người kể cả người lớn và trẻ nhỏ”.

MỸ LINH