Tại Đắk Lắk nhiều món ăn độc, lạ gắn với quả cà đắng. Lâu dần, cà đắng như trở thành "thương hiệu" trong nhiều món ăn nơi đây.
Món gỏi cà đắng cá khô gây "thương nhớ" cho nhiều thực khách.
Cà đắng mọc nhiều ở các khu rẫy cà phê, hồ tiêu, cà đắng quả to hơn cà pháo có màu xanh sọc trắng. Ở cuống có nhiều gai nên khi hái phải cẩn thận nếu không sẽ bị gai đâm chảy máu. Người dân thường đi rẫy, đến cuối ngày trước khi về nhà thường hái cà đắng mang về để nấu nướng cho buổi tối.
Cà đắng được chế biến nhiều món như cà đắng nấu ếch, cà đắng giã muối ớt, cà đắng om thịt bò… Nhưng có lẽ món gỏi cà đắng cá khô và món vếch nấu cà đắng của người Êđê là nổi tiếng nhất.
Gỏi cà đắng cá khô là một món ăn dân dã, rất dễ chế biến và thường được đãi trong các bữa ăn gia đình, các bữa tiệc gặp mặt hay bữa cơm gia đình.
Thiếu nữ Ê đê chế biến nhiều món ngon từ quả cà đắng.
Cà đắng hái về, cắt bỏ cuống mang xắt lát mỏng ngâm vào nước muối loãng để bớt vị đắng và bớt xỉn màu. Sau đó, được vớt lên để ráo nước và trộn cùng cá khô cơm chiên giòn, rau ngò gai kèm nước mắm tỏi ớt xanh đậm đà.
Khi ăn gỏi cà có vị nhân nhẫn đắng của cà, thơm của cá, mặn ngọt cay của nước mắm tạo nên vị rất đặc trưng, khó quên khi lần đầu thưởng thức.
Còn đối với món vếch - là món ăn độc đáo của người Ê đê, vếch được nấu từ một đoạn ruột non liền kề với bao tử của bò kèm gân, da, đuôi bò… nấu kèm với cả chục loại gia vị như gừng, sả, lá é, ớt hiểm, lá ngót rừng, tiêu xanh, hoa đu đủ đực, hạt kơ nia, sả cây... và đặc biệt không thể thiếu cà đắng.
Món vếch khá cầu kỳ nhưng đầy tinh tế trong ẩm thực Tây Nguyên.
Để chế biến món vếch không nặng mùi, người chế biến đã cẩn trong khâu chế biến, đoạn ruột non được chần nước sôi rồi rửa qua với nước muối. Vếch sẽ được đun trong lửa nhỏ liu riu nhiều giờ liền để miếng thịt vừa mềm vừa thơm, hòa quyện các gia vị.
Vếch bò thường được nấu trong những dịp trọng đại của người Ê đê để cúng thần linh, những tiệc lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà. Vếch nấu chín khi ăn có vị đắng đặc trưng kết hợp hài hòa với vị chua thanh, chát, cay, ngọt và ăn kèm với một số loại lá rau rừng của Tây Nguyên.
Vếch ăn nóng kèm với cơm hoặc bún, khi ăn lần đầu thực khách sẽ thấy rất lạ lẫm nhưng khi đã quen miệng ắt hẳn sẽ là một trong những món ăn được nhớ tới đầu tiên khi quay lại Đắk Lắk.
Theo Dân Trí