Nguyễn Thanh Phong (học sinh lớp 12C7) và em trai Nguyễn Thanh Hiền (học sinh lớp 11C6 tại Trường THPT Chu Văn An, Phú Tân) sống cùng bà nội tại ấp Hưng Thạnh (xã Phú Hưng, Phú Tân). Trước năm 2007, bà nội còn khỏe, thu nhập sinh hoạt nhờ vào việc bán quán. Sau đó, bà bị bệnh tai biến, nằm một chỗ hơn 10 năm đến khi qua đời. Việc cơm nước hàng ngày do cô Tư (con ruột của bà nội Phong) lo cho cả 3 bà cháu, còn láng giềng và họ hàng san sẻ thêm gạo, tiền. Ý thức được hoàn cảnh của mình, anh em Phong học rất giỏi, dù suốt thời gian qua cha và mẹ đều biết tình cảnh, nhưng ai cũng lo cho gia đình riêng, hiếm hoi mới gửi chút tiền cho con đỡ đần. Bà nội của Phong mất tháng 7-2019, cha của em trở về chịu tang, đến tiền xe trở lên Bình Dương cũng không có, phải chia một phần từ tiền phúng điếu. Anh em Phong sống nhờ số tiền ít ỏi còn lại rồi cũng hết.
Nguyễn Thanh Phong trong căn nhà cũ của bà nội để lại
Hay tin, địa phương đã vận động bà con hỗ trợ gạo hàng tháng cho 2 anh em, kể cả thầy, cô trong trường cũng đến ủng hộ. Thấy 2 đứa trẻ nhà cách xa trường đến 10km, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Hưng Nguyễn Văn Nam vận động em gái mua tặng chiếc xe gắn máy cũ. “Anh em thay phiên nhau có giang bạn đi học, gặp bữa trái buổi không đi “ké” được người ta thì chạy xe đạp, sợ không kịp giờ. Ngặt nỗi có chiếc xe gắn máy rồi cũng không có tiền đổ xăng…”. Ông Nam bỏ lửng câu nói, chỉ lên vách trên cửa nhà tiếp tục trần tình: “Tôi đang vận động nguồn hỗ trợ sửa lại để ban đêm 2 anh em có chỗ ngủ, mưa gió không còn tạt vào. Phía trước đã thế này, phía sau là gian nhà sàn, gỗ mục nát từ lâu, bóng đèn cũng không có. Thấy anh em nó khổ nên bà con thương, được cái học giỏi lắm, ngày này qua tháng nọ sống nhờ gạo, tiền chòm xóm”. Chiếc xe gắn máy mới được những tiểu thương góp tiền mua cho bây giờ có lẽ là tài sản giá trị nhất trong ngôi nhà anh em Phong đang sống. Ngay cả cửa nhà bằng sắt đã hư từ lâu, phải buộc lại bằng cả chục vòng dây chì, ban đêm không đóng vì… nhà đâu có gì để mất!
Em Nguyễn Thanh Phong cho biết, bà nội có 4 người con, 1 người đã mất, còn lại đều có gia đình riêng, cuộc sống không dư giả nên chỉ lo được chút đỉnh trong thời gian bà nội đau bệnh. Trong những tuần thất, hàng ngày Phong ghé quán cơm chay mua hộp cơm 5.000 đồng về cúng bà nội rồi lấy ăn trưa, em trai cũng vậy. Do học 2 buổi xuyên suốt nên hôm nào rộng thời gian 2 anh em mới nấu cơm ở nhà. Gọi là nấu cho sang, chứ bữa ăn thường trực chỉ có cơm trắng và trứng chiên. Ngay cả bếp gas, nồi, chảo, chai dầu ăn cũng do mọi người gom góp đem tới cho. Trong căn nhà hiu hắt vẫn còn không khí tang thương, hàng ngày Phong và em trai học bằng cách trải chiếu nằm dài dưới gạch. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, nhà ngay cạnh thường sang theo dõi chỉ biết thở dài: “Từ ngày bà nội mất đến giờ, không ai lo cho tụi nhỏ. Có mấy bữa mưa gió, thằng Hiền sợ quá phải chạy sang nhà tôi núp”.
Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hưng đã nhận hàng tháng cấp gạo cho anh em Phong. Ban giám hiệu nhà trường cùng Hội Khuyến học huyện Phú Tân đang tìm nguồn hỗ trợ, mong có nhà hảo tâm đỡ đầu cho 2 anh em có điều kiện học tiếp những năm phổ thông. Em Nguyễn Thanh Phong tâm sự: “Em và em trai đều mong muốn được học đến đại học, riêng em ước mơ sau này có thể theo nghề biên dịch hoặc dạy Anh văn. Khó khăn về miếng ăn đã có thầy cô, bà con san sẻ, chỉ lo tiền tích lũy cho việc học, nếu có điều kiện tiến xa hơn, em sẽ vừa học vừa làm, không bỏ dở ước mơ cũng như phụ lòng giúp đỡ của mọi người”.
Mọi sự giúp đỡ, bạn đọc có thể gởi đóng góp thông qua Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (điện thoại 0986058053; số tài khoản 6700201006825, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh An Giang, tên tài khoản Báo An Giang).
|
MỸ HẠNH