Trái với quan niệm “đồ ăn ở khu du lịch lúc nào cũng chặt chém”, người dân địa phương mua bán giá cả rất phải chăng, bằng tâm tình mộc mạc của xứ miền Tây.
Đã có thời gian, tệ nạn chặt chém, lừa đảo khách mua nhang, đèn, chim phóng sinh… giá “trên trời” xuất hiện ở khu du lịch này, đã tạo tâm lý “bất an” nên du khách “vội đến, vội đi”.
Sau khi chính quyền địa phương nỗ lực chấn chỉnh, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh thương mại, ý thức gìn giữ thương hiệu kinh doanh của từng hộ dân dần được nâng lên.
Hầu như cảnh chèo kéo, hét giá vô tội vạ không còn nữa. Thay vào đó là nụ cười mến khách, tâm lý kinh doanh thân thiện, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Các loại mắm là nét văn hóa ẩm thực độc đáo hàng đầu ở khu vực miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nói riêng, TP. Châu Đốc nói chung. Địa phương được mệnh danh “thủ phủ mắm”, níu chân níu lòng khách du lịch bằng hương vị riêng có.
Nhiều quầy hàng, sạp mắm lớn nhỏ được bày bán san sát nhau, cạnh tranh bằng thương hiệu lâu đời của từng chủ hộ. Từ lịch sử hình thành, phát triển hơn 1 thế kỷ, làng nghề mắm Châu Đốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao, công nhận thương hiệu tập thể đặc sản mắm Châu Đốc. Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận kỷ lục “TP. Châu Đốc - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam”.
Để tiếp cận với khách du lịch dễ dàng hơn, nhiều người bán còn chất mắm lên xe đẩy, rong ruổi khắp mọi ngả đường thành phố, đặc biệt tập trung về xung quanh miếu Bà.
“Ông bà tìm cách ủ mắm cho ngon, tạo thành thương hiệu, con cháu theo nghề cũng phải biết cách mua bán, giữ chân khách hàng. Năm nay họ mua, thấy ngon, thì năm sau quay lại mua tiếp. Chứ bán chụp giựt, bán đồ không ngon, ai dám mua nữa” – bà Út vừa cân mắm cho khách, vừa bày tỏ.
Muốn thưởng thức ẩm thực dân dã của người miền Tây, cứ dạo một vòng khu vực này. Bún cá Châu Đốc, bún riêu, bún mắm, bún bò, bánh canh, cơm tấm, cơm sườn, cháo trắng… được chế biến vừa ăn, phù hợp khẩu vị đa số thực khách.
Giá cả các món ăn rất phải chăng, bình dân, được niêm yết rõ ràng ở quầy hàng. Nhờ vậy, khách yên tâm ăn uống, bớt phập phồng lo sợ cảnh “ăn xong toát mồ hôi trả tiền”.
Mỗi món ăn được kết hợp với nồi nước lèo khác nhau. Bún cá thơm lừng mùi sả, ngải bún, nước lèo trắng đục, ngọt đậm vị cá đồng quê. Bánh canh ăn cùng với nước lèo trong vắt, củ cải trắng. Bún riêu lại đỏ au, quện vị gạch cua, xương heo hầm, tàu hủ…
Những gánh hàng rong thế này xuất hiện khắp nơi ở vùng đất du lịch Châu Đốc. Ly sữa đậu nành ấm nóng, chỉ 10.000 đồng, đủ làm dịu đi cơn lạnh của mùa mưa Vía Bà.
Miền Tây nổi tiếng với các loại cây trái miệt vườn. Châu Đốc cũng vậy, lại thêm nhiều loại nhập khẩu từ Campuchia, bổ sung thêm lựa chọn cho du khách.
Đặc biệt, không thể thiếu đặc sản của vùng biên giới An Giang: Thốt nốt. Chúng được chặt ra thành từng múi, khi nào khách chọn mua, thì mới gọt bỏ hoàn toàn phần vỏ trắng, chừa lại thịt thốt nốt mềm mại, mọng nước.
Những món ăn vặt, như: Bánh bò thốt nốt, tàu hủ hấp, kem, đá bào, kẹo chỉ, bánh tráng nướng, bắp luộc… được bày bán rất nhiều, phục vụ cả ngày lẫn đêm cho lượng khách đổ về tấp nập, tạo thành “thiên đường ăn uống”, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của nơi đây.
VẠN LỘC